Xuất khẩu thủy sản “cán đích” trên 8 tỷ USD?

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song đặt trong bối cảnh khó khăn bủa vây, ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 suốt từ đầu năm đến nay, XK thủy sản cả năm dự kiến chỉ "cán đích" khoảng 8,2 tỷ USD, giảm đáng kể so với mục tiêu 10 tỷ USD đặt ra từ đầu năm.

Không đạt mục tiêu xuất khẩu

Theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2020, trị giá XK thủy sản đạt gần 6,88 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Bốn thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng năm 2020, chiếm 59,7% tổng trị giá XK thủy sản lần lượt là Hoa Kỳ (tăng 8,5%); Nhật Bản (giảm 3,2%); Trung Quốc (tăng 0,1%) và Hàn Quốc (giảm 1,2%).

Giá mặt hàng thủy sản XK chủ lực là tôm, cá tra đang ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Ảnh: Nguyễn Thanh

Đáng chú ý, tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 10/2020 có sự phục hồi khá mạnh, dao động quanh mức 21.000-22.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con), tăng khoảng 4.000 đ/kg so với tháng trước đó. Thị trường cá tra sôi động hơn khi các nhà máy gia công thực hiện nhiều hợp đồng bắt cá ngoài, trong khi nguồn cung không còn nhiều. Nhu cầu NK cá tra ở những thị trường lớn đang có dấu hiệu phục hồi trở lại sau một thời gian dài trầm lắng.

"Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến ngành tôm khi hoạt động kinh doanh dịch vụ ẩm thực giảm 80-90%. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, thị trường tôm có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chậm", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết.

Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, trị giá XK thủy sản của Việt Nam quý 4/2020 sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với dự báo này, XK thủy sản năm 2020 đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019. Tổng trị giá XK thủy sản thu về trên 8 tỷ USD dù chỉ giảm 4% so với năm trước nhưng cũng sụt giảm khá đáng kể so với mục tiêu 10 tỷ USD mà toàn ngành đặt ra từ đầu năm.

Kiên quyết gỡ "thẻ vàng"

Với XK thủy sản nói chung, bên cạnh khó khăn thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, câu chuyện nhức nhối hơn cả ở thời điểm hiện nay chính là gỡ bỏ "thẻ vàng" hải sản từ phía EU. Đặt trong bối cảnh EU là một trong những thị trường XK lớn, quan trọng của thủy sản Việt Nam và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng tỷ USD này thì vấn đề nhanh chóng gỡ bỏ "thẻ vàng" càng cấp thiết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau 3 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, XK sang thị trường EU bị tác động rõ rệt, giảm liên tục qua các năm. Cụ thể năm 2018 giảm 6% so với năm 2017; năm 2019 giảm 15% so với năm 2018; 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo cả năm 2020, giá trị XK hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019 và doanh số giảm 28% so với năm 2017. "Sau khi Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng”, EU từ vị trí thứ hai trong “top” thị trường NK hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thị trường thứ năm kể từ năm 2018, đứng sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN. Đặc biệt, việc bị EC cảnh báo “thẻ vàng” đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên trường quốc tế", lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây về giải pháp gỡ "thẻ vàng" và khi nào gỡ được "thẻ vàng", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, sau gần 3 năm, tất cả các văn bản pháp lý theo 11 khuyến nghị của EC đã được đưa vào thể chế bằng Luật Thủy sản, Nghị định, Thông tư đã ban hành. Về hành động, Việt Nam đã tiến hành điều tra với trữ lượng hơn 4,5 triệu tấn hải sản làm cơ sở cho việc hoạch định phát triển các phương tiện và lượng khai thác.

Đối với việc tập trung quản lý đội tàu, Việt Nam có tổng số 31.600 tàu loại từ 15m trở lên, hoạt động ở vùng EU quy định. Hiện nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là thiết bị quan trọng để kiểm soát, tuy nhiên bình quân mới chỉ lắp đặt được khoảng 84%. Toàn bộ thiết chế hạ tầng bao gồm cảng cá, khu neo đậu của Việt Nam hiện chưa đảm bảo nên cũng gây ảnh hưởng đến công tác kiểm soát.

Đáng chú ý, "tư lệnh" ngành nông nghiệp nhấn mạnh: "Về vi phạm tàu cá, khu vực Thái Bình Dương hoàn toàn không có tàu Việt Nam vi phạm, nhưng khu vực biển phía Nam năm nay vẫn còn có 73 vụ vi phạm. Đây là việc tối kỵ, bởi còn vi phạm thì không bao giờ gỡ được thẻ vàng". Theo Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ này đã có báo cáo đầy đủ về các biện pháp, Ban Bí thư đã có Chỉ thị, Chính phủ cũng đang tập trung triển khai để hoàn thiện các thể chế về khai thác, trong đó có nhóm giải pháp lớn nữa là tái cơ cấu theo hướng tập trung nuôi biển để giảm thiểu áp lực lên hoạt động khai thác.

Muốn nhanh chóng gỡ "thẻ vàng", không ít chuyên gia cho rằng, bên cạnh các động thái từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN hải sản cũng phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, XK các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU, không vì lợi ích DN mình mà dung túng, tiếp tay cho hoạt động khai thác IUU...

Theo Báo Hải quan

Nguồn: http://kinhtevn.com.vn/xuat-khau-thuy-san-can-dich-tren-8-ty-usd-44242.html

0977.412.267