Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng… thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu dương và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 46,9 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh minh hoạ.
31 mặt hàng đạt kim ngạch “tỷ đô”
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2020 ước tính đạt 25,14 tỷ USD, giảm 7,8% so với tháng trước, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73,05 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,65% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,88 tỷ USD, tăng 7,1%, chiếm 71,35%.
Trong 11 tháng, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%). Cụ thể: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 46,9 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 40,2 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 26,7 tỷ USD, giảm 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23,9 tỷ USD, tăng 44,5%; giày dép đạt 14,9 tỷ USD, giảm 9,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1%.
Tính về nhóm hàng xuất khẩu, trong tháng 11/2020, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có kim ngạch giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019, các nhóm hàng khác đều đạt mức tăng trưởng khả quan. Nhóm hàng nông, lâm thủy sản xuất khẩu ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhu cầu thế giới phục hồi cũng kéo theo giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đều tăng so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm 2019.
Ví dụ như, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.963 USD/tấn trong tháng 11/2020, tăng 5,7% so với tháng 10/2020 và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019; giá hạt tiêu tăng 3,6% so với tháng 10/2020 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhân điều đạt 6.207 USD/tấn, tăng 3,5% so với tháng trước nhưng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu cao su tăng 8,8% so với tháng 10/2020 và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019...
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng trong tháng 11/2020 với kim ngạch đạt 20,97 tỷ USD, tăng 8,2% so với tháng 11/2019.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%.
Thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%. Cùng với tình hình tương đối khả quan của xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng hóa tập trung vào các nhóm hàng cần nhập khẩu với kim ngạch ước đạt 207,39 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,44% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10/2020 xuất siêu 2,9 tỷ USD; 10 tháng xuất siêu 19,5 tỷ USD; tháng 11 ước tính xuất siêu 660 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,16 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD).
Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục. Ảnh minh hoạ.
Theo dõi diễn biến dịch bệnh, khai thác tối đa các Hiệp định thương mại
Mặc dù tiếp tục xuất khẩu tăng trưởng dương nhưng theo nhận định của Bộ Công Thương, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại thị trường Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) và một số nước châu Âu đã khiến cho tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng ước đạt 26,73 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác ước đạt 400 triệu USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.
Tương tự, sản lượng giày dép da ước đạt 265,6 triệu đôi, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 2,5% so với cùng kỳ. “Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định, với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả, các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng như: chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác.
Cũng giống như ngành dệt may, sản xuất của ngành da giày cũng bị ảnh hưởng lớn. Dự báo từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Về giải pháp trong tháng cuối cùng của năm 2020 cũng như thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, các đơn vị của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Trong đó, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác xác minh xuất xứ hàng hóa; đẩy mạnh phòng chống, phát hiện, xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm phát triển sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu bền vững, bảo vệ lợi ích của người dân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Tiếp tục theo dõi, kịp thời điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế. Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Mới đây, ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức được ký kết, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu với hơn 2,2 tỷ dân và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Có thể thấy, việc ký kết RCEP có ý rất lớn trong bối cảnh hiện nay, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế cũng như DN trong một sân chơi kinh tế rộng lớn.
Với các cam kết về mở cửa thị trường ở lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ, tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu mới, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hoá Việt Nam.
Theo Báo Chính phủ