BizLIVE - Đang vào thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng gần tháng qua đã xảy ra tình trạng thiếu trầm trọng container (cont) rỗng.
Giá thuê hiện đang được các hãng tàu nâng lên gấp 3, 4 lần. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn phải thuê để xuất khẩu hàng hóa nếu không muốn bị khách hàng phạt.
Thiếu cont rỗng là vấn đề toàn cầu
Nguyên nhân thiếu cont rỗng do thị trường Trung Quốc hút rất mạnh, nhất là cont lạnh cần để vận chuyển hàng thủy sản tươi sống xuất khẩu. Loại cont lạnh có máy điều hòa đang đặc biệt khan hiếm và cũng cần cắm điện giữ lạnh nhưng các cảng không thể đáp ứng đủ yêu cầu này.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khó khăn nhất của họ hiện nay là giá thuê cont rỗng rất đắt mà lại không có cont rỗng để thuê nên công ty phải chuyển qua giao hàng bằng tàu rời.
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang rất thiếu cont rỗng, nhất là loại cont 40 feet. Nhưng vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, các nước ASEAN hay châu Á mà đây là vấn đề toàn cầu.
Hàng năm, các doanh nghiệp Việt Nam nhập rất nhiều hàng hóa từ các nước trong khu vực Châu Á nhưng lại xuất chủ yếu đi châu Âu và Mỹ. Không riêng gì doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp Trung Quốc cũng xuất nhiều hàng hóa sang châu Âu và Mỹ nhưng nhập khẩu hàng về rất ít, vì vậy các hãng tàu phải thường xuyên nhập cont rỗng về.
Tuy nhiên, năm nay do đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cắt giảm, các hãng tàu buộc phải cắt chuyến, họ đã ưu tiên vận chuyển hàng hóa từ châu Âu và Mỹ về nên không có tàu vận chuyển cont rỗng như trước đây, vì các hãng tàu là chủ sở hữu và cũng là đơn vị cho thuê cont rỗng.
Việc thiếu trầm trọng cont rỗng tại Việt Nam có liên quan đến thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa rất nhiều đi Mỹ, châu Âu nhưng từ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ bị đánh thuế nặng nên năm ngoái Trung Quốc không mang nhiều cont rỗng về nước.
Đầu năm lại xảy ra dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước này, nhưng thời gian gần đây có vẻ như xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ, đặc biệt là thị trường Mỹ đã tốt hơn rất nhiều, dẫn đến thiếu nhiều cont rỗng, và một khi Trung Quốc thiếu cont trầm trọng thì các nước lân cận như Việt Nam và khu vực ASEAN cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Lực hút cont rỗng từ thị trường Trung Quốc
“Hiện thị trường Trung Quốc hút cont rỗng loại 40 feet rất “khủng khiếp”, vì Tân Cảng đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp nên được biết, thậm chí các hãng tàu sau khi nhập hàng của họ về Việt Nam xong không cho họ sử dụng cont rỗng đó để xuất hàng đi tiếp mà yêu cầu doanh nghiệp phải trả cont rỗng về cảng để họ đưa đi Trung Quốc vì giá cước ở Trung Quốc đang rất cao so với Việt Nam”, đại diện Tân Cảng nói.
Trước đây, trong điều kiện bình thường các hãng tàu tính được mỗi khi vào mùa cao điểm xuất khẩu hàng hóa thì Việt Nam sẽ cần khoảng bao nhiêu cont rỗng loại 40 feet và lên kế hoạch trước cả tháng rồi sẽ cho nhập cont rỗng về chủ yếu cập ở cảng Cái Mép, nhưng do nhu cầu cont rỗng cao bất thường tại Trung Quốc đã làm xảy ra hai vấn đề.
Thứ nhất, các hãng tàu điều phối rất ít cont rỗng về Việt Nam nhưng lại điều phối về Trung Quốc, bởi thị trường này đang cần nhiều cont rỗng nên doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả giá thuê cao hơn. Ví dụ, nếu các hãng tàu cho thuê cont rỗng ở Việt Nam 4.000 USD/cont rỗng, thì Trung Quốc có thể trả lên từ 5.000 USD đến 6.000 USD/cont rỗng.
“Giá thuê cont rỗng xuất hàng đi Mỹ đang cao nhất trong mọi thời đại, có những doanh nghiệp phải trả hơn 5.000 USD để có cont rỗng xuất hàng. Trong khi ngày xưa giá thuê cao lắm cũng chỉ 1.000 USD/cont, có lúc giảm xuống còn 800 USD/cont, bây giờ đã lên 5.000 USD/cont. Đang có hiện tượng là doanh nghiệp đã ký hợp đồng giá cước vận chuyển từ đầu năm nhưng do các hãng tàu ép họ “nếu không đồng ý tăng cước thêm thì sẽ không có cont rỗng”, vị này chia sẻ.
Thứ hai, trong nhiều năm qua, xuất hàng đi Thái Lan, Trung Quốc giá thuê là 0 đồng/cont, các hãng tàu chỉ thu phí vận chuyển nhưng nay doanh nghiệp trả hơn 1.000 USD/cont nhưng vẫn thiếu. Dù vậy, các hãng tàu vẫn khẳng định sẽ không tăng tàu, không tăng chuyến và cũng không đều phối tàu về nhiều.
Ngày trước giá thuê cont chuyển hàng từ Việt Nam đi Trung Quốc là 0 đồng/cont, bây giờ giá vận chuyển cont rỗng từ Việt Nam đi Trung Quốc là 1.200 USD/cont, và hiện nay mọi người đang giành nhau từng cont rỗng một, qua đó cho thấy tình trạng thiếu cont rộng rất trầm trọng.
Đến bao giờ mới giải được bài toán thiếu cont rỗng
Cho thuê cont rỗng là hình thức cho thuê thiết bị của các hãng tàu, hiện lượng cont rỗng đang bị thiếu và nguyên nhân là do các tuyến dịch vụ bị các hãng tàu cắt giảm, hơn nữa hồi đầu năm dự đoán tình hình xuất khẩu hàng hóa tại Trung Quốc khác hơn so với cuối năm, nên xảy ra tình trạng thiếu cont trầm trọng.
Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp đây là thủ thuật của các hãng tàu vì sau nhiều năm bị thua lỗ nhiều bây giờ họ thấy tình trạng thiếu cont giúp tăng giá thuê cont tốt nên muốn duy trì.
Vẫn theo đại diện Tân Cảng, ở châu Âu và Mỹ có luật chống độc quyền, vì vậy Hiệp hội các nhà vận chuyển nước ngoài sẽ không để tình trạng này kéo dài lâu. Đó là lý do tại sao châu Âu và Mỹ không phê chuẩn cho 3 hãng tàu lớn thành lập liên minh. Cho đến hiện tại trong ngắn hạn thì bài toán thiếu cont vẫn chưa có lời giải nhưng trong dài hạn thì tình trạng này có thể không duy trì được lâu, vì các chủ hàng có thể sẽ mua vỏ cont và chỉ thuê chỗ trên tàu.
“Chúng ta không thể biết được thực chất của vấn đề là gì, còn Nhà nước thì không thể can thiệp vì vận chuyển cont mang tính toàn cầu. Trong tình thế các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho nước ngoài và lượng hàng hóa cũng đã được sản xuất thì phải giao cho khách. Cho nên doanh nghiệp đang trong thế kẹt buộc phải thuê giá cont cao để chuyển hàng, nếu không có nguy cơ bị phạt tiền nhiều. Có lẽ đến cuối tháng 3/2021 vẫn chưa có lời giải cho bài toán thiếu cont và mọi người đang hỏi nhau là tình trạng này kéo dài đến khi nào?”, vị này cho hay.
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/chua-co-loi-giai-cho...