Xuấu khẩu sang EU chững lại sau 2 tháng khởi sắc bởi EVFTA

BizLIVE - Sau 2 tháng xuất khẩu sang EU có nhiều khởi sắc kể từ khi EVFTA có hiệu lực, trong tháng 10, thống kê hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã cho thấy sự chững lại, suy giảm.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt 51,2 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng 9/2020 nhưng vẫn phục hồi khá tốt so với cùng kỳ năm 2019 với mức tăng 9,98%.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 9/2020 song lại tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 1,2% so với tháng 9/2020 và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 24,5 tỷ USD.

Với sự phục hồi khá tích cực từ đầu quý III/2020 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 439,8 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Công Thương đánh giá đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh.

Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ 0,4% so với 10 tháng năm 2019, đạt 210,55 tỷ USD.

CHỮNG LẠI ĐÀ TĂNG EVFTA

EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8 đã đem lại cú hích khá tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với EU.

Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD).

Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau hai tháng EVFTA được thực thi.

Tuy nhiên, những con số thống kê trong tháng 10 đã cho thấy sự chững lại về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với thị trường EU.

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong tháng 10 ước đạt 3,06 tỷ USD, tương đương với giá trị cùng kỳ tháng trước (giảm 0,1%) và giảm 1,3% so với cùng kỳ 2019.

Ở chiều ngược lại, trái với đà chững lại, suy giảm của xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu từ EU trong tháng 10 lần lượt tăng 3,2% và 9,1% so với tháng liền kề, cùng kỳ năm trước.

Việc suy giảm xuất khẩu trong tháng 10 được cho là phần nào chịu tác động từ những diễn biến khó lường, tiêu cực từ thiên tai, cụ thể là mưa bão tại nhiều tỉnh miền Trung trong tháng vừa qua.

MŨI TÊN TRÁI CHIỀU TỪ GIÀY DÉP VÀ DỆT MAY

Bộ Công Thương thông tin, sản lượng giày dép da trong tháng 10 ước đạt 31 triệu đôi, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng giày dép da ước đạt 249,1 triệu đôi, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 10 tháng ước đạt 13,38 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Sau khi suy giảm mạnh vào quý II, từ quý III/2020, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành giày dép đang dần phục hồi. Một số doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm và bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại.

Sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021.

Trái chiều với ngành giày dép, dệt may tiếp tục khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương nhận định, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Riêng với thị trường EU, như BizLIVE đã đề cập ở bản tin trước, do tốc độ tăng xuất khẩu quá nhanh vào thị trường EU, cùng với thủy sản, mặt hàng dệt may đã sắp chạm quy định vượt ngưỡng theo cam kết trong hiệp định và các nhà xuất khẩu Việt Nam cần có điều chỉnh kịp thời nếu không bị vượt ngưỡng và chịu mức thuế rất cao.

Cụ thể, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 7/2020 đã đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.

Theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến giữa tháng 10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.
 

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 gồm giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Tiêu biểu như giày dép có giá trị được cấp C/O sau 2 tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản  đạt hơn 183 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa đạt hơn 49 triệu USD, sản phẩm dệt may đạt hơn 27 triệu USD,...

TUẤN VIỆT

Nguồn:https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/xuau-khau-sang-eu-ch...

0977.412.267