Thủ tướng giao các bộ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tôm sau khi BizLIVE phản ánh

BizLIVE - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 9399/VPCP-NN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, đánh giá giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhất là hoạt động xuất khẩu tôm.

Ảnh minh họa.

Văn bản trên được chỉ đạo sau khi Nhịp sống doanh nghiệp (BizLIVE) có bài viết "Tôm Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ tại thị trường Nhật Bản", xuất bản ngày 4/11/2020.

Trong đó phản ánh: Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam đang là nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường nhập khẩu của Nhật Bản, chiếm 27,3% nhưng đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Nhật Bản tăng 12% trong khi xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản giảm liên tiếp trong quý 2 và 3.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành chế biến thủy sản, nhất là xuất khẩu tôm.

Được biết, trong top 4 nguồn cung chính, kim ngạch nhập khẩu tôm từ đầu năm đến nay của Nhật Bản từ Ấn Độ đã tăng 12%; trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia giảm nhẹ và Thái Lan sụt giảm mạnh.

Trong 3 quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản chỉ tăng trong quý 1 và liên tục giảm vào quý 2 và quý 3. Cụ thể, quý 3/2020, kim ngạch xuất khẩu  tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 155 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 433,2 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.

VASEP cho hay, đối với tôm nguyên liệu (HS 030617), thuế nhập khẩu vào Nhật Bản đối với tôm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ đều bằng 0%, còn mức thuế nhập khẩu đối với tôm Argentina và Trung Quốc đều là 1%.

Đặc biệt, hồi đầu tháng 4/2020, Nhật Bản đã giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra tôm sú nhập khẩu vào Nhật Bản từ Ấn Độ từ 100% xuống 30% do kiểm tra không còn thấy chất furazolidone trong các lô tôm từ Ấn Độ.

Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Nhật Bản - thị trường tiêu thụ gần 40% tổng lượng tôm sú xuất khẩu của Ấn Độ.

HẠ AN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/thu-tuong-giao-...

0977.412.267