Gạo xuất khẩu của Việt Nam trên đường đua với các đối thủ

BizLIVE - Lúa Đông Xuân - vụ lúa chính trong năm cho chất lượng gạo đẹp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ, nguồn lúa hàng hóa trên thị trường dồi dào hơn. Vì vậy, giá lúa gạo đã giảm từ 700 - 800 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.

Nông dân bán lúa Đông Xuân. Ảnh Nguyễn Huyền

Tuy nhiên sáng ngày 11/3/2021 giá gạo nguyên liệu các loại nhích nhẹ. Cụ thể: gạo IR 50404 (Campuchia) dao động từ  9.300 - 9320 đ/kg; IR 50404 nội địa dao động từ 9.300 - 9350 đ/kg; OM 9582 giá từ 9.300 - 9.350 đ/kg; OM 5451 (CPC) giá  từ 9.250 - 9.300 đ/kg; OM 5451 nội địa giá từ 9.300 - 9.350 đ/kg; ĐT8 giá từ 9.400 - 9.500 đ/kg, tuỳ chất lượng

Gạo Việt Nam “địa lợi, nhân hòa” tại thị trường Philippines

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 2/2021 đạt 308.472 tấn, với kim ngạch 167,71 triệu USD, giảm 11,3% về lượng và giảm 12,6% về giá trị so với tháng 2/2020. Cộng dồn 2 tháng xuất khẩu gạo đạt 656.045 tấn gạo, đạt giá trị 359,457 triệu USD, so với 2 tháng đầu năm 2020 giảm 29,5% về lượng và giảm 16,6% về kim ngạch.

Các thị trường có khối lượng gạo xuất khẩu lớn là Philippines đạt 255.874 tấn, chiếm 39% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năn, Trung Quốc đạt 159.198 tấn, chiếm tỷ lệ 24,26% … 

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,25 triệu tấn gạo, riêng thị trường Philippines đạt 2,17 triệu tấn, chiếm 34,72%; Trung Quốc mua 753 ngàn tấn, chiếm 12,04%, Malaysia 556 ngàn tấn chiếm 8,89%, và Indonesia là 90 ngàn tấn.

Theo Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2021, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines có thể bằng hoặc giảm nhẹ so với năm 2020, hiện các thương nhân Philippines vẫn đang mua gạo Việt Nam nhưng số lượng không bằng cùng kỳ năm 2020 do giá gạo Việt Nam đang cao hơn năm ngoái. Ngoài ra, việc Chính phủ Philippines chưa cấp giấy phép nhập khẩu nên các thương nhân Philippines vẫn trong trạng thái “lừng chừng” chưa vội mua.

“Từ cuối năm 2020 giá gạo Việt Nam tăng khá cao có thể thương nhân Philippines sẽ tìm mua gạo giá rẻ từ Ần Độ, nhưng điều này sẽ khó thực hiện vì gạo Việt Nam được người tiêu dùng Philippines ưa chuộng, điều kiện địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, so với cước vận chuyển từ Ấn Độ đến Philippines nên gạo Việt Nam tuy có đắt hơn nhưng nhờ “địa lợi nhân hòa” nên luôn chiếm ưu thế tại thị trường Philippines”, một thương nhân xuất khẩu gạo cho biết.

Theo Agromonitir, thương nhân Philippines đang tìm mua rất nhiều gạo Đài Thơm 8 (DT8) vụ Đông Xuân 2021. Thời gian giao hàng trong tháng 3/2021. Giao dịch sôi động hơn so với những ngày trước, có những khách đặt mua 5-10 ngàn tấn, giao hàng Cảng Mỹ Thới. Các kho chào giá ở mức 490-495 USD/tấn (FOB), hàng tàu. Khách có thể chấp nhận mua dao động ở mức 485-490/tấn (FOB), hàng tàu. Trong khi đó, các nhà máy chào bán gạo DT8 nhiều hơn ở mức 11.000 đ/kg, không bao, cập mạn Cảng Sài Gòn. 

Theo chuyên gia phân tích thị trường, hiện nay Malaysia vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam với khối lượng tương đương năm ngoái, nhưng do giá gạo Việt cao hơn cùng kỳ cũng là lực cản đối với họ, và nước này đang tham dò các nguồn cung gạo khác như Thái Lan, Ấn Độ, nhưng nếu giá gạo Việt cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu chất lượng thì Malaysiasẽ mua.

Năm 2020, do tồn kho lớn nên Indonesia mua gạo của Việt Nam với khối lượng khá thấp 90 ngàn tấn gạo. Năm 2021, Indonesia dự kiến nhập khẩu 500 ngàn tấn gạo. Động thái mới nhất của nước này là thông báo sẽ mối lại mua gạo của Thái Lan như biên bản ghi nhớ (MoU) giữa chính phủ 2 nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là “động thái tham do thị trường” của Indonesia vì giá gạo Thái Lan hiện nay đang rất cao, sau thông báo này có thể họ sẽ tìm đến các nguồn cung có giá cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu chất lượng.  

Gạo Ấn Độ cạnh tranh quyết liệt với gạo Việt Nam 

Trước đây khi Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo Việt nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường châu Phi, nhưng từ khi Ấn Độ quay thị trường cùng với lợi thế gạo giá rẻ và điều kiện địa lý nước này nhanh chóng lấy lại thị trường châu Phi và Việt Nam chỉ còn lợi thế mặt hàng gạo thơm. Năm nay Ấn Độ được mùa, so sánh giữa gạo Ấn Độ và gạo Thái Lan thì gạo VN nằm “kẹp giữa”.

Ngành gạo Ấn Độ cũng được dự báo tiếp tục có một năm bội thu khi tổng sản lượng đạt 120 triệu tấn, tăng 1,3% nhưng sản lượng xuất khẩu sẽ vào khoảng 14 triệu tấn, giảm 2,8% , và giảm nhẹ so với mức kỷ lục của năm 2020.

"Sản lượng dồi dào nên dự kiến giá gạo Ấn Độ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 1%, lên mức 6,3 triệu tấn trong tổng sản lượng sản xuất khoảng 27,1 triệu tấn (không thay đổi so với cùng kỳ)", USDA dự báo.

Đáng chú ý, áp lực cạnh tranh trong năm 2021 là rất lớn khi Thái Lan chính thức quay trở lại “cuộc đua” và Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quen thuộc của Việt Nam như Tây Phi, Singapore và Malaysia. Chính phủ Indonesia đã ký MoU với chính phủ Thái Lan về nhập khẩu gạo. 

Dự kiến năm 2021 sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không tăng, nhưng giá bán sẽ giảm do phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới là khả quan đối với nhiều doanh nghiệp.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/gao-xuat-khau-cua-vi...

0977.412.267