Thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, thị trường gạo xuất khẩu vẫn yên ắng

BizLIVE - Thị trường gạo xuất khẩu sau Tết khá trầm lắng do nhà nhập khẩu chờ thu hoạch rộ lúa Đông Xuân giá gạo giảm sẽ tăng mua. Các tỉnh ĐBSCL đang vào chính vụ nhưng lượng lúa hàng hóa không nhiều và giá lúa gạo vẫn ở mức cao.

Thu hoạch lúa Đông Xuân - ảnh Nguyễn Huyền

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 3/2021, lượng gạo xuất khẩu đạt 203.320 tấn, kim ngạch 111,321 triệu USD. Lũy kế từ ngày 1/1 - 15/3/2021 đạt 858.605 tấn, trị giá 470,341 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 33,90% về lượng và giảm 21,86% về kim ngạch.

Riêng trong tháng 2/2021 cả nước xuất khẩu được 308.472 tấn gạo, tương đương 167,71 triệu USD, giá trung bình 543,7 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 1/2021, với mức giảm lần lượt 11,3%, 12,6% và 1,5%. So với tháng 2/2020 cũng giảm mạnh 42% về lượng, giảm 29,6% kim ngạch nhưng tăng 21,7% về giá.

Dù giảm Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt

Trong tháng 2/2021, một số thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 1/2021 như: Philippines giảm trên 49% cả về lượng và kim ngạch, đạt 86.003 tấn, tương đương 46,25 triệu USD; Gana giảm 74% về lượng, giảm 70,5% về kim ngạch, đạt 10.202 tấn, tương đương 6,86 triệu USD; Malaysia giảm 63% cả về lượng và kim ngạch, đạt 6.341 tấn, tương đương 3,59 triệu USD. 

Ngược lại, có một số thị trường tăng mạnh trong tháng 2/2021 gồm: Trung Quốc tăng 75,2% về lượng và tăng 77,5% kim ngạch, đạt 101.350 tấn, tương đương 53,5 triệu USD; Bờ Biển Ngà tăng 75,6% về lượng và tăng 51,6% kim ngạch, đạt 20.000 tấn, tương đương 10,06 triệu USD.

Mặc dù trong tháng 2 xuất khẩu gạo sang Philippines giảm mạnh, nhưng tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, Philippines vẫn đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 39% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 38,3% trong tổng kim ngạch, đạt trên 255.874 tấn, tương đương 137,63 triệu USD, giá trung bình 537,9 USD/tấn, giảm 28,3% về lượng, giảm 11% về kim ngạch nhưng tăng 24% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc vẫn duy trì vị trí thứ 2 với 159.198 tấn, tương đương 83,63 triệu USD, giá trung bình 525,3 USD/tấn, tăng mạnh 140,4% về lượng, tăng 125,6% về kim ngạch nhưng giảm 6,2% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 24% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Tiếp đến là thị trường Ghana, đạt 49.544 tấn, tương đương 30,06 triệu USD, giá 606,7 USD/tấn, giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 19% về kim ngạch và tăng 21% về giá so với cùng kỳ, chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu gạo sang Bờ Biển Ngà tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 28%, 63,7% và 27,8%, đạt 31.387 tấn, tương đương 16,69 triệu USD, giá 531,7 USD/tấn. Ngược lại, xuất khẩu gạo sang Malaysia 2 tháng đầu năm giảm mạnh 75% về lượng và giảm 67% kim ngạch so với cùng kỳ, nhưng tăng 32% về giá, đạt 23.471 tấn, tương đương 13,18 triệu USD, giá 561,7 USD/tấn.

Nhận định về 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng là thị trường khó đoán nhất. Đầu năm 2021, Philippines không mua nhiều gạo do năm 2020 đã nhập khẩu với khối lượng khá lớn, nhưng sau khi cân đối xong họ cũng phải nhập khẩu tiếp. 

Thị trường Trung Quốc cũng vậy, đầu năm 2021 mua một ít đến nay cũng đã ngưng mua vì họ cho rằng giá gạo Việt Nam đang cao muốn chờ chính vụ mới mua, nhưng thu hoạch rộ giá lúa gạo vẫn không xuống bắt buộc họ phải mua lại. Đối với thị trường châu Phi do cước vận chuyển lên cao nên dơn hàng đi chậm. Thị trường Malaysia cũng có mua nhưng với khối lượng ít. 

“Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân nhưng lượng lúa hàng hóa không dồi dào, giá lúa gạo vẫn ở mức cao nên thị trường xuất khẩu còn khá chậm. Hiện giá gạo Đài Thơm 8 giao dịch khoảng 560 USD/tấn, Jasmine khoảng 580 USD/tấn, OM 5451 giá 560 USD/tấn. Cuối vụ Đông Xuân giá gạo vẫn không giảm như mong muốn nhà nhập khẩu bắt buộc phải mua vào, vì vụ Đông Xuân đến đầu tháng 4 qua cao điểm.

Dù giá lúa gạo đang cao nhưng sắp hết vụ nên công ty phải đẩy mạnh mua vào trên dưới 1.000 tấn gạo nguyên liệu/ngày, còn khoảng hơn tuần nữa thì đầy kho 30.000 tấn. Chúng tôi mua trữ đầy kho để khi nào thuận tiện thì bán ra, nếu không mua bây giờ qua vụ sẽ không còn gạo đẹp, vì chất lượng lúa gạo vụ Hè Thu không bằng vụ Đông Xuân. 

Hiện công ty đang giao hàng cho các hợp đồng đã ký trong năm 2020, còn năm 2021 vẫn đang thương lượng nhưng chưa chốt xong. Năm 2020, công ty xuất khẩu 95.000 tấn gạo các loại, năm nay dự kiến xuất khẩu 100.000 tấn”, ông Đôn chia sẻ. 

Theo AgroMonitor, nhu cầu hỏi mua gạo Đài Thơm 8 tiếp tục nhiều khiến giao dịch loại gạo này sôi động hẳn lên. Chiều ngày 21/3, nhà máy chấp nhận bán gạo Đài Thơm 8 ở mức giá 11,200 đ/kg, gạo trắng nguyên liệu 5% tấm. Sáng ngày 22/3, một số nhà máy không chấp nhận bán giá 11,200 đ/kg nữa mà chào lên mức 11,250 - 11,300 đ/kg, đối với gạo trắng nguyên liệu 5% tấm, loại đẹp. Tuy nhiên, các nhà kho chưa chấp nhận mua mức giá mới, chỉ cho mua ở mức 11,200 đ/kg, trở lại.

Trung Quốc thay Philippines trở thành nước mua gạo số 1 thế giới 

Hiện Philippines đang là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng theo Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Philippines trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2021.

Theo USDA, Philippines sẽ chỉ nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm 10% so với năm 2020, và thấp hơn con số 2,6 triệu tấn dự báo trước đây. Vì sản lượng và tiêu thụ gạo thế giới sẽ tăng, chủ yếu do sản lượng của Indonesia, Philippines và Sri Lanka được mùa, tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ tăng. Do đó, Philippines sẽ không còn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – vị trí mà nước này đã nắm giữ suốt 2 năm qua, kể từ khi tự do hóa ngành lúa gạo, theo đó mở cửa thị trường cho nhập khẩu nhiều gạo hơn trước.

Dự kiến Trung Quốc sẽ mua 2,8 triệu tấn gạo từ nước ngoài trong năm 2021 do sản lượng gạo trong nước giảm. Trái lại, sản lượng gạo của Philippines dự báo sẽ tăng lên 12,2 triệu tấn, từ mức 11,9 triệu tấn của vụ trước, nhờ diện tích và năng suất đều tăng. Đây là kết quả của việc Bộ Nông nghiệp Philppines thực hiện các chương trình thúc đẩy sản xuất như cung cấp hạt giống chất lượng, cung cấp máy móc, tín dụng nông nghiệp và khuyến nông thông qua Quỹ Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành gạo.

Mặt khác, USDA cho rằng giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam cao cũng làm cho Philippines hạn chế mua vào, và trên thực tế giá gạo Thái Lan gần đây tăng nhanh do sản lượng nội địa thấp và chi phí vận chuyển cao vì thiếu container, trong khi gạo Việt Nam trước vụ thu hoạch vụ Đông Xuân cũng tăng nhanh lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ, do nguồn cung thắt chặt lúc trước khi vào vụ thu hoạch rộ.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn:https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/thu-hoach-ro-lua-don...

 

0977.412.267