Thị trường Hoa Kỳ đang chiếm tới 72% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.
Xưởng chế biến gỗ Công ty Vinafor Saigon.
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng gần 10%. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2020 sẽ cán mốc 12 tỷ USD như mục tiêu đề ra.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2020 ước đạt 1,15 tỷ USD, tăng 21,7% so với tháng 8/2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 924 triệu USD, tăng 35,2% so với tháng 8/2019.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,45 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường Hoa Kỳ chiếm ưu thế
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 7/2020, trong đó nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt tốc độ tăng trưởng cao. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2020 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 4,06 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm tới 65,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 72% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ.
Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu đồ nội thất bằng gỗ đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 7/2020, tuy nhiên tính chung trong 7 tháng đầu năm 2020, mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng Giám đốc Công ty Vinafor Saigon cho biết, hoạt động xuất khẩu gỗ trong 8 tháng đầu năm 2020 rất khả quan và tình hình này dự báo sẽ kéo dài đến cuối năm 2020. Ngành gỗ sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 12 tỷ USD trong năm nay, kết quả này sẽ là tiền đề để ngành ngày càng tăng trưởng ổn định.
Có một thực tế, dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng tại một số quốc gia vẫn không áp dụng giãn cách xã hội như lúc đầu dịch mới xảy ra, và có một số nước “chấp nhận” sống chung với dịch nên không còn tâm lý “co cụm” nữa.
Vì vậy, ngay từ giữa tháng 7 đến nay doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng mới nên phải tập trung sản xuất cao độ. Tuy nhiên, do giãn cách nên gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ một số quốc gia đang bị đứt đoạn, khiến đồ thị nguồn cung gỗ biến động theo chu kỳ hình sin và dẫn đến thiếu cục bộ. Bù lại, nguồn cung trong nước vẫn đáp ứng được nên doanh nghiệp nhận tất cả các đơn hàng mới của khách.
Thêm yếu tố doanh nghiệp FDI
“Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ vẫn tốt, vẫn đảm bảo sự tăng trưởng. Sự tăng trưởng của ngành gỗ ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, thậm chí có sự đột phá của yếu tố doanh nghiệp FDI mới. Đối với các doanh nghiệp trong nước, có một số bị ảnh hưởng nên chỉ đạt khoảng 60 đến 70% kế hoạch.
Để có cái nhìn tổng thể và toàn vẹn bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, các ngành chức năng cần tổng hợp và minh định “miếng bánh” xuất khẩu gỗ, theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn trong nước là bao nhiêu và tỷ lệ doanh nghiệp FDI là bao nhiêu”, ông Ngời nêu quan điểm.
Cùng quan điểm với ông Ngời, ông Lương Văn Nga, Tổng giám đốc Công ty TNHH KODA SAIGON, trong quý I, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên tình hình xuất khẩu gỗ rất chậm, từ quý II cho đến nay tình hình đã khả quan hơn cho dù Covid-19 vẫn còn.
Cụ thể, trong các tháng tháng 4, 5 và 6, doanh nghiệp gỗ nhận đơn hàng mới khá nhiều nhưng chắc chăn sẽ không bằng như năm 2019, bởi do giản cách khách hàng nước ngoài không trực tiếp đến công ty được, nên doanh nghiệp phải mất thời gian là làm mẫu gửi cho khách hàng xem và tất cả giao dịch đều phải làm việc qua internet.
“Bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên người dân không đi mua sắm nhiều nhưng đặc thù của ngành gỗ là mua theo mùa, và khách hàng nước ngoài thường mua sắm để trưng bày vào dịp Noel, bây giờ họ đặt hàng nhưng phải 3 đến 4 tháng sau mới giao hàng.
Còn đối với các công trình nhà hàng, khách sạn và resort trong nước thì vẫn đặt hàng bình thường nên tiến độ hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, chỉ có quý I bị ảnh hưởng nặng nên hoạt động bị chậm lại”, ông Nga chia sẻ.
Tuy đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng ngành gỗ vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách, đó là dấu hiệu rất tích cực. Song, vẫn có một số khó khăn nhất định, do các công ty xuất khẩu gỗ đều thuê các chuyên gia nước ngoài phụ trách các vấn đề về kỹ thuật ... nhưng vì giãn cách nên không sang Việt Nam được, và nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc cũng bị giãn đoạn.
Nhìn chung, hoạt động của ngành gỗ trong quý I, quý II có hơi chậm, qua quý III và quý IV các doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng mới và tình hình khả quan hơn song vẫn không bằng các năm trước.
QUANG TRÍ
Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/do-go-noi-that-tap-t...