Chuyện "phủ sóng" hiện đại hóa hải quan

(HQ Online) - Trong những năm qua, ngành Hải quan đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, góp phần đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Để hiện đại hóa hải quan, nhiều cán bộ công chức hải quan đã lặng lẽ từng ngày “phủ sóng” đến từng địa bàn, từ đồng bằng đến miền núi, từ cảng biển đến hàng không…

Cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan luôn hướng đến mục tiêu giảm thời gian thông quan. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái Ảnh: TKTS

Cải cách là sự đồng bộ

Chia sẻ những câu chuyện xoay quanh việc khắc phục khó khăn khi phải loại bỏ tư duy cũ, phương thức cũ, ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cho rằng, cải cách hiện đại hóa là quá trình đồng bộ, nhất quán và công nghệ thông tin là một công cụ.

“Công nghệ thông tin có thể được ứng dụng hiệu quả hay không là do tư duy quản lý, phải có tư duy quản lý phù hợp mới xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin phù hợp. Khi đạt được hai điều đó thì việc tổ chức triển khai phải đảm bảo kỷ cương, nhất quán” - ông Nguyễn Mạnh Tùng chia sẻ và cho biết, khi công nghệ thông tin đã lan tỏa tới tất cả các khâu nghiệp vụ, trong từng vị trí công việc của ngành Hải quan, đòi hỏi phải có sự am hiểu của đội ngũ CBCC Hải quan từ Tổng cục đến các đơn vị hải quan địa phương, và đó là cả quá trình rèn luyện.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, khi đưa cải cách hiện đại hóa vào áp dụng, khó khăn thách thức lớn nhất là đảm bảo lực lượng công chức trong ngành tại các vị trí làm việc phải thấm nhuần chủ trương, nhiệm vụ, không thể nghĩ rằng việc này là của người khác. Chính vì cải cách hiện đại hóa không bao giờ dừng, khi đạt được mục tiêu này thì mục tiêu đằng sau còn cao hơn. Điều này xuất phát từ bối cảnh phát triển của thế giới, đòi hỏi của Chính phủ, cộng đồng DN và người dân; song song với sự thay đổi mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Trong công cuộc cải cách hiện đại hóa, ai chậm trong tiếp cận sẽ đi sau, do vậy đây là thách thức lớn nhất từ 1995 đến nay.

Và những nhân tố tiên phong

Về quá trình “phủ sóng” hiện đại hóa tại hải quan địa phương, ông Đàm Minh Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 (Cục Hải quan Hải Phòng) chia sẻ về sự quyết tâm của Hải quan Hải Phòng khi triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM).

Theo ông Đàm Minh Nghiệp, việc nghiên cứu, triển khai hệ thống này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sự gia tăng hàng hóa XNK cảng biển ngày càng lớn, đòi hỏi của Chính phủ về giảm thời gian thông quan ngày càng gắt gao. “Có một thực tế ngành Hải quan đã có rất nhiều hệ thống, tuy nhiên chưa có hệ thống quản lý các khu vực, địa điểm giám sát. Cho nên các khâu trước đã điện tử hóa song đến khâu nhận hàng, quản lý hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan thì vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống”- ông Đàm Minh Nghiệp cho hay. Bên cạnh đó, Luật Hải quan (Điều 41) đã quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan.

Trên cơ sở thực tiễn và quy định pháp luật, với sự động viên khuyến khích của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, nhóm triển khai của Hải quan Hải Phòng ban đầu có ý tưởng triển khai kết nối với DN kinh doanh cảng ở mức độ thấp hơn nhưng khi nghiên cứu kỹ thấy rằng cần phải triển khai quy mô, càng quy mô việc kết nối giữa DN kinh doanh cảng và Hải quan càng thông suốt.

“Tại thời điểm đó, trực tiếp Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng đã chỉ đạo thành lập nhóm triển khai, nghiên cứu, hình thành ý tưởng, báo cáo lãnh đạo Tổng cục và được đồng ý triển khai thí điểm, phối hợp với các đơn vị liên quan. Từ xây dựng bài toán quản lý, sau đó là thực hiện thí điểm các công đoạn, trong vòng gần một năm đề án đã triển khai thành công” – ông Đàm Minh Nghiệp cho hay. Đến nay việc triển khai hệ thống VASSCM đã mang lại nhiều giá trị trong công tác quản lý hải quan, góp phần quan trọng trong việc thống kê hàng hóa, chống buôn lậu và phục vụ thông quan nhanh hàng hóa.

Cũng là một trong những đơn vị đi đầu về triển khai kế hoạch cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan cũng như tại đơn vị, bà Phùng Thị Nguyên Hạnh- Trưởng phòng Giám sát quản lý về Hải quan (Cục Hải quan Quảng Ninh) chia sẻ về những trở ngại khi triển khai hiện đại hóa đến các địa bàn khu vực biên giới.

Theo bà Phùng Thị Nguyên Hạnh, Hải quan Quảng Ninh là đơn vị có trải nghiệm các hoạt động nghiệp vụ hải quan từ đường biển, đường bộ, đường hàng không. Với sự đa dạng đặc thù cửa khẩu, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình cải cách hiện đại hóa đạt hiệu quả cao nhất từ thực hiện thủ tục hải quan điện tử sau này là thực hiện thông quan tự động VNACSS/VCIS; thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, thực hiện dịch vụ công trực tuyến… “Khi triển khai các mô hình quản lý mới này, Cục Hải quan Quảng Ninh thực sự tự hào được Tổng cục Hải quan ghi nhận và một trong những đơn vị tích cực, chủ động, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện”- bà Phùng Thị Nguyên Hạnh cho biết.

Với góc độ là phòng ban tham mưu, bà Phùng Thị Nguyên Hạnh cho rằng, đơn vị tham mưu là đầu mối đưa các chính sách chủ trương cấp trên vào thực tiễn cơ sở. Chính vì vậy, tinh thần chủ động, sáng tạo rất quan trọng. “Chủ động bằng việc xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai, hay thành lập tổ phản ứng nhanh để kết nối với các đơn vị của Tổng cục Hải quan, thậm chí phải đeo bám” - bà Phùng Thị Nguyên Hạnh nói thêm.

Theo bà Phùng Thị Nguyên Hạnh, khi triển khai thủ tục hải quan điện tử nói chung, khó khăn lớn nhất là thuyết phục DN, nhất là DN tại các địa bàn khu vực biên giới khó khăn còn lớn hơn rất nhiều, bởi DN đã quen với việc thực hiện thủ công. Để “phủ sóng” được công nghệ thông tin, CBCC phải sát với DN, thậm chí cầm tay chỉ việc. “Từng bước, từng bước một việc triển khai mới hoàn thành được” – bà Phùng Thị Nguyên Hạnh chia sẻ. Đồng thời cùng với triển khai các kế hoạch hiện đại hóa của ngành, Cục Hải quan Quảng Ninh còn tích cực, chủ động xây dựng các phần mềm quản lý để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù tại địa bàn như: “Phần mềm quản lý cư dân biên giới” để kiểm soát định mức hàng hóa qua lại cư dân biên giới. Phần mềm này hiện nay cũng được chia sẻ cho nhiều đơn vị hải quan địa phương thực hiện. Đây cũng chính là sản phẩm do các đoàn viên thanh niên hải quan thực hiện.

N.Linh

Nguồn:https://haiquanonline.com.vn/chuyen-phu-song-hien-dai-hoa-hai-quan-13339...

0977.412.267