Kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam sẽ còn vươn tới mốc 1.000 tỷ USD

Lần đầu tiên năm 2020 kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam vượt qua con số ấn tượng 500 tỷ USD. Nhưng trong câu chuyện với phóng viên báo Công Thương, chuyên gia kinh tế PGS - TS. Nguyễn Thường Lạng đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, sẽ còn có những con số ấn tượng hơn nữa.

Thưa chuyên gia, từ những tính toán của chuyên gia có thể thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 5 năm tới có thể lên đến con số 1.000 tỷ USD so với trên 500 tỷ như hiện nay. Đâu là những kịch bản cụ thể?

Ở kịch bản thấp với xuất phát điểm tổng kim ngạch này năm 2020 là 543,9 tỷ USD thì với mức tăng trưởng GDP cho 5 năm tới là 6% trong khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu là 12% thì tổng kim ngạch năm 2025 sẽ là 958, 537 tỷ USD.

Còn với kịch bản cao cũng với xuất phát điểm như trên thì với tốc độ tăng GDP 5 năm tới là 6,5%/năm còn tăng trưởng kim ngạch xuất – nhập khẩu là 16,25% thì tổng kim ngạch năm 2025 sẽ là 1.154,74 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng

Xin ông phân tích rõ những cơ sở để đưa ra những kịch bản về kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2025?

Nhìn kỹ trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2020 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 17,7% và thường cao hơn GDP từ 2 đến 2,6 lần. Với cách phân tích xuất - nhập khẩu của Việt Nam dựa trên lợi thế so sánh, cũng như Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định để mở ra thị trường, thứ ba nữa là dựa trên nhận định là nền kinh tế Việt Nam còn phát triển chưa đến mức tiềm năng, cho nên có rất nhiều nguồn lực Việt Nam có thể chuyển ra thị trường thế giới thông qua con đường xuất – nhập khẩu và tiếp nhận nguồn lực từ bên ngoài vào nhiều.

Với những góc nhìn thực tiễn đó, có thể thấy rằng hoàn toàn có cơ sở để đạt được tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu vào năm 2025 khoảng 1.000 tỷ USD. Đây có thể là con số kỷ lục. Ví dụ chúng ta có thể sử dụng rất nhiều về nguồn lực về nguyên vật liệu, nguồn lực về lao động, nguồn lực nhập khẩu từ nước ngoài về rồi sau đó tổ chức các chuỗi cung ứng, kết hợp cả đầu tư và công nghệ. Chưa nói đến việc sử dụng kinh tế số, thương mại số. Con số 1.000 tỷ USD nêu ở đây là hoàn toàn trong tầm tay, hoàn toàn mang tính lạc quan.

Cũng còn bởi từ năm 2021 trở đi, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng cất cánh. Điều chúng ta mong ước 30 năm trước thì giờ đây đã thành hiện thực.

Việc tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTAs) cũng là giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu. Theo ông, để có tận dụng hiệu quả các FTAs này, chúng ta cần làm gì?

Để tận dụng các FTAs truyền thống cũng như thế hệ mới, Việt Nam có nhiều việc cần phải làm. Việc thứ nhất là cần nghiên cứu rất kỹ các hiệp định để xem có thể tận dụng được những gì, ví dụ những ưu đãi về thuế quan, ưu đãi về các tiêu chuẩn kỹ thuật, rồi ưu đãi về thị trường, về chuỗi xuất khẩu, ưu đãi của đối tác.

Hai là Việt Nam cần đổi mới về đổi mới sáng tạo. Đây là cái cốt lõi và lâu dài. Ví dụ chúng ta phải tạo ra sản phẩm mới, chúng ta phải sử dụng thương mại số, hay đưa ra mô hình kinh doanh mới dựa trên cơ sở nền kinh doanh số. Phải đơn giản hóa các thủ tục thanh toán, giảm bớt các chi phí liên quan đến giao dịch, đồng thời chúng ta nên sở dụng các công cụ trực tuyến để giảm bớt các chi phí. Từ đó tăng được giá trị gia tăng đầu ra và mở ra được các đối tác mà không đòi hỏi quá nhiều chi phí như đi khảo sát thị trường.

Rõ ràng là cần phải có một tầm nhìn mới, cách đặt vấn đề mới dựa trên nền tảng mới của tiến bộ công nghệ, đó chính là giải pháp lâu dài với Chính phủ, các doanh nghiệp. Chính phủ đã có nhiều chương trình rất hay nhưng có thể nói chưa đạt đến cái độ cần thiết, “đỉnh cao”, mà mới ở mức tối thiểu. Cần phải đạt đến mức tối đa. Và ở đây, tiềm năng, dư địa còn rất lớn.

Tất nhiên con đường đến kim ngạch xuất – nhập khẩu ở mức 1.000 tỷ USD như ông nêu hoàn toàn không phải là con đường rải hoa hồng. Một trong những thách thức đang nổi lên là vấn đề phòng vệ thương mại khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối diện với các vụ kiện cáo. Theo ông, vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào?

Tôi cho là khi tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh thì bao giờ cũng dẫn đến việc chiếm thị trường của các đối tác khác, kéo theo các nghi kị, rà soát, thậm chí là cả xoi mói từ các đối tác là “Việt Nam có bán phá giá” hay là “sử dụng trợ cấp”. Và đó là lý do họ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này trong thời đại cạnh tranh bây giờ thì cũng là bình thường thôi.

Thế nên chúng ta phải có một chiến lược phòng ngừa, một chiến lược dự báo, cảnh báo để có thể đưa ra những tín hiệu “đèn xanh – đèn đỏ - đèn vàng” cho doanh nghiệp để điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Và cũng cần nói thêm rằng có những khuôn khổ mà chúng ta nên bàn sâu hơn, nới rộng khuôn khổ.

Ví dụ như trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã nói đến 3 tiêu chuẩn để cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ nhưng có thể nói ngay 3 tiêu chuẩn đó cũng rất lạc hậu, nhất là khi quan hệ hai nước phát triển rất mạnh mà vẫn còn giữ những tiêu chuẩn như vậy, nên chúng ta phải thảo luận những khuôn khổ mới cho những quan hệ mới trên cơ sở nền tảng của những quy mô đang mở rộng rất nhanh của quan hệ hai nước. Việt Nam cần chủ động làm trước, còn các đối tác có thể mở rộng chậm hơn.

Liên quan đến con số 1.000 tỷ USD mà ông nêu thì có ý kiến cho rằng có thể nhiều nghìn tỷ đi nữa nhưng phần của Việt Nam sẽ là bao nhiêu mới là quan trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đây cũng là một cảnh báo có giá trị tham khảo rất cao vì lâu nay trong xuất khẩu, phần của Việt Nam gia công là chính, nhìn kỹ mà xem ngay trong năm 2020 kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam có đến 72,2% thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thế nên cần phải làm gì để phần của Việt Nam tăng lên? Rõ ràng đây thuộc về sứ mạng của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có trách nhiệm với đất nước. Ở chỗ nào? Chúng ta không thể để “miếng bánh ngon” như thế rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài mà chúng ta cần có chiến lược kết nối để chúng ta chuyển giao và tiếp nhận, phát huy được năng lực nội sinh.

Khi chúng ta đạt được con số kim ngạch xuất – nhập khẩu 1.000 tỷ USD cũng có nghĩa là chúng ta có tầm nhìn mới, thì chúng ta sẽ có cách làm mới và mô hình mới.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Quang Lộc

Nguồn: https://congthuong.vn/kim-ngach-xuat-nhap-khau-cua-viet-nam-se-con-vuon-...

0977.412.267