Máy móc, phụ tùng "soán ngôi" giày dép trong danh sách xuất khẩu tỷ đô

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng hiện đang đứng vị trí thứ 4 (sau điện thoại; máy vi tính; dệt may) và đẩy giày dép xuống vị trí thứ 5 trong danh sách các mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2020 đạt 24,64 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 2,29 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2020.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10/2020 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10/2020 đạt 413,18 tỷ USD, tăng 2,3%, tương ứng tăng 9,27 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 248,79 tỷ USD, giảm 2,7% (tương ứng giảm tới 7,01 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 164,39 tỷ USD, tăng 11% (tương ứng tăng 16,28 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kỳ 1 tháng 10 năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 798 triệu USD. Qua đó, nâng mức xuất siêu của cả nước tính đến hết ngày 15/10/2020 lên 17,32 tỷ USD.

Về xuất khẩu:

Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 năm 2020 đạt 12,72 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 1,77 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 9/2020.

Tính đến hết 15/10/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 215,25 tỷ USD, tăng 4,6% tương ứng tăng 9,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Biểu đồ 1: Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ từ 01/01/2020 đến 15/10/2020 và cùng kỳ năm 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong khi máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng mạnh, mặt hàng giày dép lại sụt giảm nặng nề nên vị trí về quy mô kim ngạch của 2 nhóm hàng này có sự hoán đổi so với năm trước. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng hiện đang đứng vị trí thứ 4 (sau điện thoại; máy vi tính; dệt may) và đẩy giày dép xuống vị trí thứ 5.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 10/2020 đạt 8,33 tỷ USD, giảm 10,2%, tương ứng giảm 943 triệu USD so với kỳ 2 tháng 9/2020. Tính đến hết ngày 15/10/2020, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 138,13 tỷ USD, giảm 2%, tương ứng giảm 2,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu:

Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2020 đạt 11,92 tỷ USD, giảm 4,1% (tương ứng giảm 516 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2020.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10/2020 giảm so với kỳ 2 tháng 9/2020 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 205 triệu USD, tương ứng giảm 6,4%; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng giảm 173 triệu USD, tương ứng giảm 9,9%...

Tuy nhiên, một số nhóm hàng lại tăng trong kỳ 1 tháng 10/2020 như dầu thô tăng 122 triệu USD, tương ứng tăng mạnh 134%; ô tô nguyên chiếc tăng 27 triệu USD, tương ứng tăng 21,8%... so với kỳ trước.

Như vậy, tính đến hết 15/10/2020, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 197,93 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% (tương ứng giảm 202 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Biểu đồ 2: Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2020 đến 15/10/2020 và cùng kỳ năm 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 6,8 tỷ USD, giảm 3% (tương ứng giảm 212 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 9/2020. Tính đến hết ngày 15/10/2020, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 110,66 tỷ USD, giảm 3,7% (tương ứng giảm 4,22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 55,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

H.S

Theo Nhịp sống kinh tế

Nguồn: https://cafef.vn/may-moc-phu-tung-soan-ngoi-giay-dep-trong-danh-sach-xua...

0977.412.267