I. Thực trạng nguồn nhân lực ngành logistics
Để nhân lực cung ứng cho thị trường lao động có đủ cả kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, việc tăng cường hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế với các trường đào tạo là yêu cầu cấp thiết đang được các cơ sở đào tạo nỗ lực thực hiện.
Để có thể cung ứng nguồn nhân lực ngành Logistics đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhiều cơ sở đào tạo ở các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã đổi mới chương trình đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo hướng trang bị cho sinh viên đầy đủ các kỹ năng thao tác nghiệp vụ chuyên môn từ cơ bản đến nâng cao trong dịch vụ Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; đồng thời tăng cường kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong nội dung đào tạo; tạo điều kiện để sinh viên - nhà tuyển dụng gặp gỡ, trao đổi, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối internet vạn vật và các công cụ hiện đại hóa đang thay đổi toàn bộ viễn cảnh ngành Logistics toàn cầu. Lĩnh vực logistics thế giới sẽ chuyển dịch trọng tâm về các thị trường đang phát triển tại châu Á. Đầu tư vào công nghệ và con người là sẽ yếu tố quyết định đến sự phát triển của lĩnh vực logistics trong tương lai. Đây là những yếu tố mà các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và DN dịch vụ logistics cũng như DN sản xuất - kinh doanh của Việt Nam cần tính đến trong kế hoạch phát triển logistics thời gian tới.
Theo nghiên cứu của VLA, chỉ tính riêng nguồn nhân lực cho các công ty logistics (không bao gồm các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng thuần túy) từ nay tới năm 2030 sẽ cần đào tạo mới và bài bản cho khoảng 250.000 nhân sự. Nhiều vị trí khan hiếm nhân lực từ lãnh đạo - quản trị tới quản lý, giám sát và cả nhân viên chuyên nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần có một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học thì nguồn nhân lực mới được cung ứng một cách bền vững và có chất lượng.
II. Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Logistics
Để phục vụ cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực dài hạn và bền vững, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần hỗ trợ định hướng cho các trường và cho phép mở ngành học logistics. Quá trình đào tạo cần được triển khai đầy đủ ở cả 3 nhóm đối tượng sau:
Thứ nhất, người cung cấp dịch vụ logistics phải biết rõ bản chất, các nguyên lý và các vấn đề thực tiễn của dịch vụ này vốn rất đa dạng và không ngừng phát triển, không chỉ ở phạm vi trong nước mà trên toàn thế giới.
Thứ hai, người sử dụng dịch vụ là các DN sản xuất, kinh doanh thuộc nhiều ngành nghề khác nhau phải biết cách sử dụng logistics như một công cụ để vận hành hiệu quả các chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ của mình.
Thứ ba, người quản lý và hoạch định chính sách cần hiểu rõ hơn về bản chất, vai trò, thực trạng của ngành Logistics để đưa ra những chính sách và phương hướng phát triển, xây dựng thể chế và luật pháp phù hợp với sự phát triển của ngành Logistics. Các chương trình đào tạo phải được thiết kế riêng cho các cấp nhân sự khác nhau bao gồm cấp quản trị, quản lý điều hành và nhân viên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình đào tạo về logistics ở Việt Nam hiện nay còn sơ lược. Các trường đại học mặc dù đã xây dựng chương trình đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng thuộc các khoa quản trị kinh doanh, kinh tế vận tải… nhưng chủ yếu đào tạo kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, vận tải. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực hiệu quả cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam, trước hết Chính phủ cần có định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các bộ - ban – ngành có liên quan để có thể phân định khả năng và trách nhiệm mỗi bên trong phát triển ngành dịch vụ logistics, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực logistics.
Bên cạnh sự hỗ trợ đào tạo từ phía các hiệp hội, tổ chức, các trường đại học thì các DN logistics cần có chính sách đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên, phát huy được sức mạnh của nguồn nhân lực trong DN một cách tối ưu, giúp DN phát triển bền vững và lâu dài. Muốn vậy, DN cần có một số chính sách thiết thực và chi tiết, cụ thể như:
Một là, bố trí sử dụng nguồn nhân lực vào các phòng chuyên môn theo đúng ngành nghề đào tạo và phù hợp với năng lực của họ; rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên trên các lĩnh vực như: Trình độ, giới tính, trình độ đào tạo; lập chương trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho người lao động.
Hai là, phát triển trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động logistics: Nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tạo điều kiện cho người lao động học tập, làm việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục hải quan; xác định rõ mục tiêu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo...
Ba là, nâng cao nhận thức người lao động: Xuất phát từ nhu cầu phải nâng cao nhận thức của người lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển của DN, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức được thể hiện qua thái độ tích cực, hành vi đúng đắn với công việc và các quan hệ xã hội khác.
Bốn là, tạo động lực thúc đẩy người lao động: Tạo động lực thúc đẩy để đạt được sự hoạt động tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong công việc…