Mô hình mới là đòn bẩy cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành

(HQ Online) - Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) vừa hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đề án nhằm cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Theo mô hình mới nhiều thủ tục kiểm tra được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan Hải quan. Đề án được đánh giá không chỉ tác động tích cực đối với doanh nghiệp XNK mà tác động chung đối với nền kinh tế, bởi những định hướng cải cách đột phá được đặt ra.

Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Trong ảnh: Công chức Hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu bằng các thiết bị hiện đại trên Trạm kiểm định di động VILAS. Ảnh: Hồng Nụ

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt được một số kết quả đáng kể như: nhiều mặt hàng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đã chuyển từ trước thông quan sang sau thông quan; tỉ lệ lô hàng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm so với tỉ lệ tờ khai đã giảm xuống 19,1% năm 2019 so với năm 2015 là 30%; các bộ ngành đã đưa vào áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK; đáng chú ý 200 thủ tục hành chính đã kết nối trên hệ thống một cửa quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn một số tồn tại, bất cập; chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá: hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều; trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất; còn tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết; nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng nhưng chưa đầy đủ, thực chất dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa được áp dụng miễn giảm rất thấp; tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp. Đặc biệt, còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành.

Với những tồn tại, bất cập hiện nay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới. Từ thực tế đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Với trọng trách được giao, trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay; nghiên cứu mô hình kiểm tra chất lượng của một số nước trên thế giới; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong nhiều năm qua về cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; kế thừa những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính với sự phối hợp, hỗ trợ từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức liên quan và các chuyên gia nghiên cứu độc lập đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, phản biện để xây dựng Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Đề án nhằm cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, qua đó giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay; cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, người tiêu dùng.

Theo mô hình Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan Hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.

7 nội dung cải cách

Đề án gồm 7 nội dung cải cách lớn, cụ thể:

Thứ nhất, giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan Hải quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện kiểm tra hồ sơ, thực hiện kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường hoặc trưng cầu, giám định, thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định; thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm để thông quan; chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, công khai, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.

Thứ hai, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: kiểm tra chặt (là việc kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm); kiểm tra thông thường (là việc kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm); kiểm tra giảm (là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm của năm liền kề trước đó). Hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt sẽ chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường sẽ chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.

Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo mô hình mới, thủ tục kiểm tra chất lượng sẽ được đơn giản hóa, cắt giảm các bước thủ tục so với quy trình hiện tại, cụ thể: đối với hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy, việc cơ quan Hải quan giữ vai trò đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng cắt giảm được 2 bước thủ tục trên tổng số 6 bước so với quy trình hiện tại.

Đối với hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy, việc cơ quan Hải quan giữ vai trò đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng cắt giảm được 3 bước thủ tục trên tổng số 10 bước so với quy trình hiện tại.

Tương tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được đơn giản, cắt giảm các bước thủ tục so với quy trình hiện tại. Đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra thông thường, việc cơ quan hải quan giữ vai trò đầu mối thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm cắt giảm được 2 bước thủ tục trên tổng số 5 bước so với quy trình hiện tại.

Đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chặt, mặc dù việc cơ quan Hải quan giữ vai trò đầu mối thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm không cắt giảm được số bước thủ tục so với quy trình hiện tại song sẽ đạt được mục tiêu cải cách như: thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được đơn giản hóa do nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu về mức độ tuân thủ pháp luật của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan Hải quan; giúp doanh nghiệp chủ động, lựa chọn quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp…

Như vậy, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo mô hình mới được đơn giản hơn so với mô hình hiện tại. Doanh nghiệp giao dịch một đầu mối là cơ quan Hải quan để thực hiện đồng thời thủ tục hải quan và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng tối đa trong việc đăng ký kiểm tra, thực hiện kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra.

Thứ tư, áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Đây là một trong những nội dung cải cách quan trọng của Đề án. Cụ thể áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm theo mặt hàng để giảm tối đa lô hàng cần phải kiểm tra. Việc áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Hệ thống sẽ tự động xác định hàng hóa được chuyển đổi phương thức kiểm tra trên cơ sở hồ sơ đăng ký kiểm tra của doanh nghiệp; thông tin, dữ liệu, lịch sử kiểm tra đối với mặt hàng giống hệt sẵn có.

Thứ năm, áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Hệ thống tự động quyết định phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra, các trường hợp miễn kiểm tra; cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Việc mở rộng đối tượng miễn theo Mô hình mới được đề xuất trên nguyên tắc những đối tượng miễn giảm ở Nghị định này (Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 85/2019/NĐ-CP) sẽ được xem xét miễn ở Nghị định kia và ngược lại, đồng thời bổ sung thêm một vài trường hợp và nhân rộng áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực kiểm tra chất lượng sẽ làm tăng đối tượng và lô hàng không phải kiểm tra chất lượng. Theo đó, Đề án gồm 18 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Thứ bảy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong Mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm đảm bảo Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro thực hiện các tính năng: xác định đối tượng phải kiểm tra, miễm, giảm kiểm tra; quyết định phương thức kiểm; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; hỗ trợ doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn mà hàng hóa của họ đáp ứng; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; chia sẻ thông tin hiện có cũng như sẽ được chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan Hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành.

Doanh nghiệp tiết kiệm chí phí hơn 881 tỷ đồng mỗi năm

Với những giải pháp cải cách nêu trong Đề án, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ đánh giá sẽ tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp XNK. Mô hình mới sẽ giúp tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%), từ 158.424 tờ khai (số liệu tờ khai của năm 2019) xuống còn 72.258 tờ khai.

Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm là: 2.484.038 ngày (giảm từ 3.965.394 ngày xuống còn 1.481.356 ngày).

Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Với việc đánh giá tác động của Đề án một cách độc lập, khách quan, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ cho rằng, đối với nền kinh tế, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế. Căn cứ số tỷ lệ số liệu kiểm tra chuyên ngành năm 2019 do Tổng cục Hải quan cung cấp, Dự án tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ tính toán dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) mỗi năm.

Đặc biệt, việc thống nhất đầu mối kiểm tra với việc thực hiện thủ tục hải quan là xu hướng quốc tế, góp phần giúp hội nhập tốt hơn tăng uy tín của Chính phủ, cải thiện chỉ số cải cách hành chính, góp phần nâng hạng xếp hạng vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Chính phủ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Theo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra lộ trình thực hiện theo hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ năm 2020 đến năm 2023): Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai thực hiện Đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn II.

Giai đoạn 2 (từ năm 2023 đến năm 2026): Rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, trừ các hàng hóa sau: hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra, quản lý liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa; hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; hàng hóa thuộc Danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng sau khi hàng hóa đã thông quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng sau thông quan, doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng quy trình thủ tục kiểm tra chất lượng theo mô hình mới này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngọc Linh

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/mo-hinh-moi-la-don-bay-cai-cach-can-ban-toa...

0977.412.267