Cầu vượt cung, thuê kho lạnh trở thành ngành “hot”

BizLIVE - Nhu cầu trữ đông hàng hóa nói chung và trữ có kiểm soát nhiệt độ nói riêng ở Việt Nam ngày càng tăng cao, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy đây là cơ hội tốt để đầu tư và phát triển thị trường kho lạnh tại Việt Nam.

Kho lạnh chứa hàng của công ty Lineage

Nhu cầu bảo quản thực phẩm ngày càng cao của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước ngày càng chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, hàng nhập khẩu đông lạnh hoặc hàng mát từ nước ngoài về năm sau thường cao hơn năm trước, nhưng sức chứa của các kho lạnh trong nước không đủ đáp ứng buộc doanh nghiệp phải giảm giá để bán ngay. 

Đầu tư phát triển hệ thống TCW hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), hàng năm, ngoài việc nhập khẩu khoảng 200.000 tấn thịt gà/năm, và nhiều loại rau, quả tươi cũng như đông lạnh, riêng trong năm 2020 Việt Nam còn nhập khẩu một khối lượng lớn thịt heo và thịt bò, đông lạnh để phục vụ nhu cầu thị trường trong nước. 

Riêng trong 11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập 517.904 con trâu, bò (91,5% là bò) với trị giá hơn 556 triệu USD cho mục đích giết mổ lấy thịt. Cũng trong 11 tháng đầu năm, cả nước đã nhập 80.124 tấn thịt trâu, bò đông lạnh, trị giá 295,9 triệu USD.

Ở Việt Nam, đầu tư và phát triển hệ thống kho lưu trữ hàng hóa có kiểm soát nhiệt độ - TCW (Temperature control warehouse - tùy loại hàng hóa và tùy yêu cầu của khách hàng mà có nhiệt độ phù hợp đối với từng sản phẩm) là một thị trường mở và còn tương đối mới. 

Hiện có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang muốn đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là các đối tác đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Đã có nhiều công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực này.

Có 2 xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đó là mua lại các kho lạnh đang vận hành của các doanh nghiệp Việt Nam hoặc mua đất để xây dựng kho mới.

Còn theo nhận định của một doanh nghiệp trong nước, nhu cầu tìm kho trữ thực phẩm đông lạnh xuất nhập khẩu tăng rất nhanh những năm trở lại đây, đã khiến ngành kho lạnh cho thuê trở thành ngành có lợi nhuận rất hấp dẫn, và chỉ mất khoảng 4 năm kể từ ngày đi vào hoạt động là có thể thu hồi vốn.

Ông Nguyễn Hữu Viên, Tổng giám đốc công ty Lineage Logistics Việt Nam cho biết, năm 2010, Lineage đã có mặt tại Việt Nam, trải qua 10 năm công ty đã và đang phát triển rất tốt. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước ngày càng chú trọng đến vấn đề vệ sinh ATTP, thì những công ty đa quốc gia như Lineage có đủ các kỹ năng và phương pháp cùng cách tiếp cận khoa học công nghệ cao nên chuỗi hệ thống lưu trữ và quản lý thực phẩm của công ty hầu như đáp ứng được tất cả những yêu cầu của thị trường trong nước. 

“Thậm chí các đối tác nước ngoài như công ty Toàn cầu McDonald với những yêu cầu và tiêu chuẩn thực phẩm bảo quản rất nghiêm ngặt và cao nhất trên thị trường thế giới hiện nay mà Lineage vẫn đáp ứng được. Một khi công ty có đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu của các khách hàng này cũng chính là lợi thế của Lineage”, ông Viên nhấn mạnh.

Mong được tính theo mức giá điện sản xuất 

Kho trữ đông của Lineage tại ga Sóng Thần rất đa dạng có thể trữ các mặt hàng rau củ quả đông lạnh đến hàng mát, trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng trái cây nhập khẩu từ Mỹ như táo, cherry, kiwi và các loại thực phẩm cho các nhà hàng McDonald, KFC, Pizza Hut... thậm chí đến các mặt hàng khô cho các chuỗi siêu thị Big C… Đối với các mặt hàng đông lạnh trong nước thì các các mặt hàng như đậu bắp, đậu nành rau hấp,… và các loại hàng mát rau, trái cây hoặc các loại giống lúa nhập khẩu. 

Tuy nhiên, các loại giống lúa nhập khẩu chỉ trữ đông ở các kho lạnh khu vực miền Tây, vì vậy, trong tương lai Lineage sẽ phát triển hệ thống kho lạnh ở miền Tây để trữ hàng hóa cho khu vực này. Công ty đang tập trung phát triển hệ thống kho ở khu vực phía Bắc và đang có kế hoạch xây dựng một số kho ở phía Bắc.

Ông Viên cho biết thêm, thị trường điện năng ở Việt Nam có 2 mức giá, đó là giá điện sản xuất và giá điện kinh doanh, và khó khăn lớn nhất mà công ty đang gặp phải hiện nay là điện lực đang áp mức giá điện kinh doanh. 

“Thực ra, chúng tôi làm kho lạnh để lưu trữ hàng hóa chứ không hoạt động kinh doanh. Khâu lưu trữ là bước đầu trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, nhưng chúng tôi lại không được áp dụng mức giá điện sản xuất mà phải trả với giá điện kinh doanh cao hơn từ 30% đến 40%. Đây là một vấn đề khó khăn lớn đối với công ty hiện nay, do phải trả tiền điện ở mức giá cao nên chúng tôi buộc phải tính với doanh nghiệp gửi hàng mức cao, như vậy sẽ làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp”, ông Viên nói.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn:https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/cau-vuot-cung-thue-k...

0977.412.267