Dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021

Năm nay, Vinatex đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD, là mức kế hoạch cao tương đương với năm 2019, nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm.

Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2021 dự báo vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục gặp khó khăn, bất định và phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Mục tiêu đặt ra của Vinatex trong năm nay sẽ hướng tới xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD. Đây là mức kế hoạch cao tương đương với năm 2019, nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong năm 2020 vừa qua, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, ngoài ra còn bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, xu hướng bảo hộ mậu dịch, nước Anh rời khỏi EU, … do đó kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 35 tỷ USD.

Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam năm 2020 có doanh thu hợp nhất đạt 15.516 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất đạt 628,9 tỷ đồng, đạt 164,8% kế hoạch.

Theo các dự báo của thế giới, thị trường dệt may phục hồi nhu cầu về mức của năm 2019 sớm nhất là quý 2/2022 và chậm nhất là quý 4/2023. Chính vì vậy, 2021 vẫn còn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn.

Đáng chú ý, năm 2021 nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập như xu thế giảm giá chi phối toàn thị trường; hàng hóa dệt may đơn giản thay thế hàng thời trang, dẫn tới nhiều năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt; mô hình kinh doanh online, giảm trung gian, đòi hỏi quản trị và giao tiếp số với toàn bộ các thành phần của chuỗi cung ứng…

Ông Đặng Vũ Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trong năm 2021, đội ngũ Vinatex cần phát huy tiềm lực và nội lực để tăng trưởng, tiếp tục tăng cường mảng dịch vụ cho đơn vị thành viên trong kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về chính sách, pháp lý.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng với tình hình mới, Tập đoàn tập trung bổ sung, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối chuỗi trong các doanh nghiệp thành viên, tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn tập đoàn chi phối, số hóa việc quản trị, sao cho chất lượng quản trị được nâng cao, phát triển hài hòa các mảng sợi, vải, may.

“Trước những thách thức khó lường của 2021 và những năm tiếp theo, toàn thể các doanh nghiệp thuộc Vinatex tiếp tục đoàn kết bên nhau cùng hợp tác, bởi hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh vượt qua mọi trở ngại,” ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, năm 2021, Vinatex có được nhiều bài học lớn, ngoài bài học truyền thống của ngành dệt may như tinh thần thống nhất, đoàn kết trong khó khăn, sự tương trợ chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau còn có 2 bài học mới, đó là tinh thần tự cường và sáng tạo.

"Tập đoàn đã ứng phó linh hoạt, tự thoát ra khỏi ý nghĩ dựa dẫm vào các nguồn cứu trợ từ bên ngoài. Trong thách thức đã biết sử dụng khủng hoảng để sáng tạo, để lớn lên không ngừng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,” ông Trường nói.

Sản xuất may mặc tại Công ty Dệt 29/3 Đà Nẵng. (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+)

Để đạt được mục tiêu ngành dệt may đã đề ra trong năm 2021, bên cạnh quyết tâm của doanh nghiệp, Vinatex cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất; đồng thời quan tâm tiếp tục giảm được lãi suất vay dài hạn, vì năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng các yêu cầu mới hậu COVID-19, cũng như đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA.

“Hệ thống ngân hàng thương mại linh hoạt trong đánh giá tín nhiệm, sau một năm khó khăn hiệu quả thấp, các dự án đầu tư của dệt may, nhất là đầu tư sản xuất sợi, vải không còn được thứ tự ưu tiên cao, tiếp cận vốn khó, lãi suất cao nên rất cần sự đánh giá lại cho giai đoạn mới tương ứng với tốc độ phục hồi của thị trường,” ông Trường đề xuất.

Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian phát triển và các điều kiện kích thích phát triển. Các địa phương ủng hộ ngành dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ theo quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là các chi phí logistics thông qua quy hoạch mạng lưới logistics quốc gia, cùng các chi phí thuế quan khác.

Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA thông qua hướng dẫn sớm nhất các quy trình đáp ứng Quy tắc xuất xứ, có cổng thông tin tra cứu lợi ích từ các FTA./.

 

Theo Vietnam +

Nguồn: http://kinhtevn.com.vn/det-may-huong-toi-muc-tieu-xuat-khau-39-ty-usd-tr...

0977.412.267