Doanh nghiệp cần thận trọng với các biện pháp bảo hộ thương mại khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ

BizLIVE - Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng giám sát với các mặt hàng và quốc gia có thặng dư thương mại lớn, tăng nhanh trong thời gian ngắn, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương đã nhận định, xu thế điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam có dấu hiệu gia tăng.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như trong cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì chỉ chín tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc).

Liên quan vấn đề trên, tọa đàm về pháp lý khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đã được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC)  tổ chức, ngày 21/1.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 43,81 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,7%). Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu của thành phố (không tính dầu thô) ước đạt 38,53 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2019.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 50,87 tỷ USD, giảm 1,1% so với năm 2019. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố cả năm 2020 ước đạt 43,37 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2019.

TP.HCM Là địa phương có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn  bị vướng vào các vấn đề phòng vệ thương mại của quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là nước Mỹ.

Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bên cạnh thuận lợi là được hưởng các ưu đãi về mặt thuế quan giúp thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa, các ngành hàng mà doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Điều này đòi hỏi chính các doanh nghiệp phải nâng cao tính chủ động, song hành cùng cơ quan quản lý nhà nước ứng phó hiệu quả đối với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. 

Phần lớn số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như: Kim loại, sợi, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất... Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là: Mỹ, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia.

Ông C. Matthew,  Luật sư Công ty luật quốc tế Dentons chia sẻ, Hoa Kỳ là một thị trường tiêu thụ lớn và là đối tác thương mại mà nhiều quốc gia muốn thâm nhập. Mỗi giai đoạn và đối tác khác nhau, Hoa Kỳ sẽ có sự điều chỉnh chính sách thương mại khác nhau nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia.

Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng giám sát với các mặt hàng và quốc gia có thặng dư thương mại lớn, tăng nhanh bất thường trong thời gian ngắn và đặc biệt quan tâm tới vấn đề nguồn gốc thật sự của hàng hóa.

Trong khi đó, thời gian qua Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ khi thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất và xuất khẩu, tận dụng được cơ hội từ sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và khoảng trống thị trường mà đối tác trước đó của Hoa Kỳ bị áp thuế phòng vệ thương mại.

Nhưng, việc gia tăng kim ngạch một số mặt hàng quá mức sẽ khiến các mặt hàng này đối diện với nguy cơ khởi kiện và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu bị áp thuế, cả ngành hàng sẽ phải chịu chung và rất khó để cạnh tranh, thậm chí phải từ bỏ thị trường vì mức thuế phòng vệ thương mại Hoa Kỳ áp dụng thường rất cao.

Vì vậy, lưu ý các doanh nghiệp phải hiểu và thường xuyên cập nhật hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ, ngoài luật liên bang còn có các luật riêng của từng bang. Bên cạnh đó, cần hiểu rõ đối tác giao thương để tránh các giao dịch có nguy cơ cao.

Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu hoặc bán thành phẩm từ nước thứ ba về gia công, chế biến rồi xuất khẩu vào Hoa Kỳ cần đặc biệt chú ý đến lịch sử thương mại mặt hàng đó giữa Hoa Kỳ và bên thứ ba; tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm đang bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để xuất khẩu vào Hoa Kỳ. 

Bên cạnh hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu và đẩy mạnh việc nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ Hoa Kỳ phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu trở lại với giá trị gia tăng cao hơn nhằm hướng tới quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cân bằng và bền vững.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-ca...

0977.412.267