BizLIVE - Tháng 3 là Việt Nam vào vụ thu hoạch tiêu và hàng năm cứ tháng này là giá tiêu thấp nhất. Nhưng năm nay giá tiêu lại đang rất tốt và dự báo trong các tháng tới giá tiêu sẽ còn tốt hơn nhiều.
Vườn tiêu Đắk Lắk - Ảnh Nguyễn Huyền
Trong hai tháng đầu năm giá thu mua hồ tiêu đã tăng trung bình 8.000 đồng/kg, đặc biệt chỉ riêng trong ngày 4/3/2021 tăng mạnh tới 3.000 đồng/kg. Ngày 5/3/2021 giá tiêu tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được giao dịch ở mức 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó, khu vực Miền Đông Nam Bộ giá tiêu cũng đồng loạt tăng mạnh 3.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai 57.500 đồng/kg ; Bà Rịa – Vũng Tàu 60.000 đồng/kg; Bình Phước 59.000 đồng/kg.
Giá tiêu tăng cao hơn dự kiến
“Vui mừng và bất ngờ” là chia sẻ của nông dân trồng tiêu Tây Nguyên về hiện tượng giá tiêu tăng 3.000 đồng/kg trong một ngày. Đây là bước tăng giá đã rất lâu mới xuất hiện lại trên thị trường tiêu, trước đây giá tiêu chỉ tăng ổ mức 500 – 1.000 đồng/kg.
Trước khi thu hoạch mùa vụ tiêu năm 2021, nhiều chuyên gia đã dự báo giá tiêu sẽ tăng trong năm 2021 nhưng tăng mạnh như ngày 4/5/2021 đã khiến nhiều người bất ngờ.
Nguyên nhân giá tiêu tăng mạnh là do giới đầu cơ đang tăng cường thu mua và đẩy giá tăng cao để hút hàng. Các chuyên gia cũng khuyến cáo bà con nông dân, tiêu vụ mới chưa thu hoạch xong, lượng tiêu trong dân vẫn còn, bên cạnh đó tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn do đang thiếu container rỗng đẩy giá cước vận chuyển lên cao, bà con không nên thấy giá cao mà vay tiền trữ lại vì rủi ro rất lớn.
Giá tiêu tăng nông dân rất vui mừng nhưng vẫn còn nhiều lo lắng, vì năm nay năng suất không cao, giá thuê nhân công thu hái tăng, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn còn...
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trong 15 ngày đầu tháng 2/2021 đạt 6.533 tấn, trị giá 19,288 triệu USD, cộng dồn từ ngày 1/1 - 15/2/2021 đạt 23.417 tấn, trị giá 67,923 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 7,6% về khối lượng, nhưng tăng 13,06% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 1/2021 ước đạt 2.884 USD/tấn, tăng 4,23% so với tháng 12/2020 và tăng 16,2% so với tháng 1/2020.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi – Ấn Độ tăng 53,4 rupee/tạ (0,15%) ở mức 35.862,5 rupee/tạ. Giá tiêu Giá tiêu tăng nông dân rất vui mừng nhưng vẫn còn nhiều lo lắng, vì năm nay năng suất không cao, giá thuê nhân công thu hái tăng, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn còn... Ấn Độ đang có chuỗi ngày tăng trưởng liên tiếp trong nửa tháng qua.
Hồ tiêu của Việt Nam mặc nhiên chi phối thị trường tiêu toàn cầu
Tháng 3 là Việt Nam vào vụ thu hoạch tiêu nên hàng năm cứ tháng 3 là giá tiêu thấp nhất, nhưng năm nay giá tiêu lại đang rất tốt và dự báo trong các tháng tới giá tiêu sẽ còn tốt hơn nhiều, năm nay người trồng tiêu sẽ có một năm thắng lợi.
Theo ông Đỗ Hà Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex group (VPA), nhiều người nhận định năm nay giá tiêu bình quân khoảng 60.000 đ/kg, mới vào vụ hàng chưa kịp ra thương nhân Trung Quốc đã tăng mạnh thu mua và đẩy giá tiêu lên 60.000 đ/kg, gây khó cho các nhà đầu cơ.
“Kinh nghiệm cho thấy, trên thị trường hồ tiêu nếu nhìn thấy giá cao của năm ngoái sẽ là giá bình quân của năm sau, lâu nay vẫn thế. Năm ngoái đã lên 60.000 đ/kg thì chắc chắn giá bình quân của năm sau sẽ 60.000 đ/kg. Vì vậy, vừa chớm vào vụ mọi người đã tranh thủ mua đẩy giá tiêu lên mức 53.000 - 55.000 đ/kg, thấy mức giá này “ngon ăn” thương nhân Trung Quốc “nhảy vào” vét hàng đẩy thị trường tăng nóng. Thương nhân Trung Quốc dựa vào nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thị trường sau đó dùng tài chính đánh thị trường, bằng cách tạo ra sóng cộng hưởng gây đột biến thị trường đẩy giá thị trường đi lên”, ông Nam phân tích.
Giá tiêu trên thị trường đang rất tốt và có lợi cho người nông dân, nhưng do mấy năm trước giá tiêu thấp nên người nông dân Việt Nam cũng như các nước không đầu tư phát triển khiến sản lượng thu hoạch tiêu thấp.
Năm 2016, giá tiêu có lúc đạt 220.000 đồng/kg, trong khi cà phê và cao su thời điểm đó giá giảm mạnh, nên hồ tiêu từng được xem là một trong những cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân, thậm chí nhiều người nhanh chóng trở thành tỷ phú nhờ cây hồ tiêu.
Do vậy, có nhiều nông dân đã phá bỏ một phần diện tích cà phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu. Sau mấy năm đầu được giá, giá hồ tiêu bắt đầu lao dốc, lợi nhuận thu được không còn đủ để tái đầu tư cho cây tiêu. Ngoài ra, bệnh hại lây lan làm cây tiêu chết dần khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, nên có nhiều vùng đã giảm diện tích bằng cách trồng xen canh.
Tổng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của thế giới khoảng 500 ngàn tấn/năm, Việt Nam xuất khẩu trên 280.000 tấn/năm, chiếm khoảng 56% thị trường hồ tiêu thế giới. Năm nay, dù diện tích hồ tiêu của Việt Nam có giảm nhưng có nhiều nhận định cho rằng lượng tiêu xuất khẩu sẽ không thấp hơn mức 60%, vì có một số vùng trồng tiêu ở Campuchia không tự xuất khẩu được đã đưa qua Việt Nam, góp phần nâng tổng khối lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu rất cao, chỉ cần Việt Nam tạm dừng bán trong một thời gian ngắn thì thị trường sẽ mặc nhiên biến động. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam mặc nhiên chi phối thị trường toàn cầu.
“Nếu làm tốt công tác quản lý thì hồ tiêu Việt Nam sẽ chi phối được thị trường thế giới, và trên thực tế thì nông dân bây giờ cũng rất thông minh khi giá tiêu biến động thì bà con không vội bán ra làm cho giá thị trường khá tốt”, ông Nam cho biết.
DUY KHANG
Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/gia-tieu-tang-m...