Không phải Ấn Độ hay Thái Lan, Bangladesh đã chọn Việt Nam để nhập mua 50.000 tấn gạo đầu tiên theo hợp đồng G2G

BizLIVE - Hợp đồng G2G bán 50.000 tấn gạo 5% tấm Bangladesh tuy sản lượng nhỏ nhưng giá bán tốt, trong khi Ấn Độ thuận lợi về địa lý cả giá bán nhưng Bangladesh vẫn chọn mua gạo Việt Nam, cho thấy uy tín Việt Nam trên thị trường rất lớn. 

Tàu gạo của Vinafood 2 - ảnh công ty cung cấp​

Trước đó, Chính phủ Bangladesh đã thông qua 3 đề xuất riêng rẽ mua tổng cộng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua sắm trực tiếp từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, nhưng hiện Bangladesh chỉ mới mua gạo của Việt Nam theo hình thức hợp đồng Chính phủ (G2G).

Có 207 doanh nghiệp nhận chỉ tiêu phân bổ hợp đồng Bangladesh

Bà Nguyễn Thị Hoài, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - Công ty Cổ phần (Vinafood 2) cho biết, giá gạo xuất khẩu mà Vinafood 2 ký với Bangladesh là khá tốt nhưng với khối lượng nhỏ và hiện nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang chính vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên gần như không ảnh hưởng đến biến động giá lúa trên thị trường.

Ngày 22/3/2021, Vinafood 2 đã có công văn gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) báo cáo về hợp đồng bán gạo Bangladesh, loại gạo 5% tấm, vụ mùa 2020/2021, thời gian giao hàng 50 ngày kể từ ngày nhận L/C. Dự kiến giao hàng từ 1/4 - 30/4/2021. Đơn giá 605 USD/tấn (giá CIF) tại cảng Bangladesh, quy ra tại cảng TP.HCM tương đương 522 USD/tấn. Việc phân bổ chỉ tiêu xuất ủy thác xuất khẩu gạo VFA sẽ áp dụng theo Nghị định 107.

Theo danh sách phân bổ chỉ tiêu của VFA có 207 doanh nghiệp nhận chỉ tiêu phân bổ bằng nhau là 194 tấn/doanh nghiệp. Riêng Vinafood 2 là 10.036 tấn. 

Hiện nay, vụ tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân 2020-2021 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn đỉnh rộ, giá lúa gạo trong nước đã và đang nóng, với hợp đồng Bangladesh khiến nhiều người lo ngại có thể hợp đồng này sẽ góp phần làm cho giá lúa gạo nóng lên thêm. Vì gạo bán cho Bangladesh là gạo 5% tấm - thường là gạo IR 50404 và loại này đang hiếm hàng nên giá khá cao so với các loại gạo khác.

“Nếu giao thuần gạo IR 50404 sẽ làm tăng độ nóng của loại gạo này trên thị trường nội địa và kích thích người nông dân quay lại trồng ồ ạt lúa IR 50404 trong các vụ mùa tới”, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo lắng nói.

Nguồn AgroMonitor

Ngành gạo Việt Nam khẳng định uy tín trên thị trường thế giới

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích thị trường, hợp đồng ghi gạo 5% tấm nhưng không ghi cụ thể chủng loại gạo, đó có thể là cách của doanh nghiệp ký hợp đồng nhằm linh động trong việc huy động nguồn hàng, 5% tấm có thể là chủng loại gạo OM 5451, Đài Thơ 8, … vấn đề là giá và khi giao hàng doanh nghiệp sẽ phải xem xét và cân nhắc. 

Hiện nay mọi người đều đánh giá hợp đồng của Bangladesh rất tốt, cho dù lượng không lớn nhưng nhìn ở góc độ khác thì hợp đồng này vừa tạo uy tín của Chính phủ vừa tạo uy tín của doanh nghiệp, nhất là trong tình trạng khẩn cấp việc giao hàng của doanh nghiệp Việt Nam luôn đảm bảo. Không chỉ với Bangladesh mà doanh nghiệp Việt Nam cũng rất có uy tín với Philippines về giao hàng.   

Nếu so sánh về lợi thế thì Ấn Độ có nhiều lợi thế hơn Việt Nam, vì Ấn Độ và Bangladesh thuận lợi về mặt địa lý và giá gạo Ấn Độ đang rất cạnh tranh, nhưng Bangladesh vẫn chọn mua gạo Việt Nam qua đó cho thấy uy tín của Việt Nam đối với Chính phủ Bangladesh.

Nếu đứng trên mặt bằng chung thì sự cạnh tranh đang diễn ra rất quyết liệt, Bangladesh mua gạo Việt Nam là do Việt Nam rất có uy tín, vì trước đây Việt Nam đã từng cung cấp gạo cho Bangladesh và giao hàng rất đúng hạn. 

“Trên thị trường thế giới việc giao hàng đúng hạn rất quan trọng, và hiện nay tình trạng của Bangladesh rất thiếu gạo nên họ rất cần nguồn cung gạo và Việt Nam đã có uy tín. Mặc dù họ cũng đã mua gạo Ấn Độ nhiều mà giá cũng rẻ hơn so với gạo Việt Nam.

Bangladesh mua gạo Việt Nam đã là sự thành công rồi, vì Việt Nam có uy tín nên mới ký bán được với mức giá như vậy, và họ không lấy giá gạo Ấn Độ để so sánh với gạo Việt Nam vì giá gạo Ấn Độ rẻ hơn nhiều”, chuyên gia phân tích nhận định.

Trước đó, Chính phủ Bangladesh đã thông qua 3 đề xuất riêng rẽ mua tổng cộng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua sắm trực tiếp từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Bộ trưởng Tài chính Bangladesh AHM Mustafa Kamal cho biết quyết định này được đưa ra trong cuộc họp ngày 10-3 của Ủy ban Nội các về các vấn đề kinh tế do ông Kamal chủ trì.

Vị bộ trưởng này lưu ý Chính phủ Bangladesh đang cố gắng mua gạo từ các nguồn khác nhau để đảm bảo không phát sinh vấn đề gì trong tương lai. Theo đó, Bangladesh sẽ mua 150.000 tấn gạo phi basmati từ Công ty Cung ứng dân sự bang Punjab (PUNSUP) của Ấn Độ để đáp ứng các mục đích khẩn cấp, 150.000 tấn khác từ Hội đồng Nông dân quốc gia Sakonnakhon của Thái Lan và 50.000 tấn gạo trắng từ Tổng công ty Lương thực miền Nam (VinaFood 2) tại Việt Nam.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/khong-phai-an-do-hay...

0977.412.267