Người trồng hồ tiêu đã có lãi, nhưng xuất khẩu vẫn sa sút

QUANG TRÍ 18:35 30/08/2020

BizLIVE - Người trồng hồ tiêu đã có lãi khi giá tốt hơn, nhưng xuất khẩu vẫn suy giảm bởi Covid-19.

Ảnh minh họa/Quang Trí

Ngày 28/8, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên và miền Nam giao dịch ở mức từ 47.500 - 50.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao được duy trì từ tháng 7 đến nay. Song, giá tiêu sẽ khó tăng mạnh hơn nữa vì dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp.

Hiện giá hồ tiêu tại Tây Nguyên, miền Nam dao động trong khoảng từ 47.500 - 49.500 đồng/kg. Trong đó, giá thấp nhất tại Chư Sê - Gia Lai, Đồng Nai ở mức 47.500 đồng/kg, và cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu giữ mức 50.000 đồng/kg.

Cuối vụ cạn cung, giá hạt tiêu ổn định mức cao

Theo chuyên gia phân tích thị trường nông sản, giá tiêu giao dịch ở mức 40.000 đồng/kg là nông dân đã có lãi. Hiện giá quanh mốc 50.000 đồng/kg là tốt cho người trồng tiêu, tuy nhiên, có một số hộ dân kỳ vọng giá tiêu sẽ còn tăng thêm nữa nên giữ lại chưa muốn bán.

Trong 2 quý đầu năm, đặc biệt là trong hai tháng 5 và 6, giá xuất khẩu thấp xuống thấp, trung bình 2,133 USD/tấn, kéo giá tiêu nội địa xuống dưới 40.000 đồng/kg. Nhưng từ tháng 7 giá tiêu giá xuất khẩu trung bình 2.169 USD/tấn nên giá trong nước tăng xấp xỉ 50.000 đồng/kg.

“Khoảng 3 tháng nay giá xuất khẩu tiêu trên thị trường đã tăng trở lại. Nhìn chung đầu vụ thì xuống nhưng giá tiêu đã tăng lên đang xoay quanh mức 50000 đồng/kg. Đây sẽ là mức giá tiêu trung bình năm nay, và về mặt quy luật thì giá tiêu năm sau thường tốt hơn năm trước.

Giá hồ tiêu sẽ giảm trong ngắn hạn do thương mại hồ tiêu toàn cầu đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong các tháng tới tại thị trường châu Âu và Mỹ được dự báo sức mua sẽ giảm do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp”, vị chuyên gia BizLIVE tham vấn cho biết.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thu hoạch vụ tiêu năm 2020 của Việt Nam sẽ kết thúc với sản lượng ước đạt 240.000 tấn, giảm 15% so với năm trước. Tháng 6 vừa qua, khảo sát tại các vùng trồng tiêu như Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai cho thấy sản lượng tiêu vụ 2020 đang giảm rất mạnh, có địa phương giảm đến 20%.

Những năm vừa qua, do giá hạt tiêu xuống quá thấp có một số diện tích không được đầu tư dẫn đến vườn tiêu bị chết, một số diện tích năng suất thấp được chuyển sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Dự báo, vụ mùa năm 2021 sản lượng hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm do người dân không đầu tư chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết, trong thời gian qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên nhu cầu của các nước nhập khẩu đối với hạt tiêu giảm, dự báo nhu cầu hạt tiêu thế giới vẫn sẽ không tăng và xuất khẩu hạt tiêu vẫn trong xu hướng trầm lắng.

Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sự sụt giảm nhu cầu ở hầu hết các thị trường lớn đã và đang cho thấy ngành công nghiệp hồ tiêu đang ngấm đòn từ tác động của dịch Covid-19.

Xuất khẩu hạt tiêu giảm ở các thị trường chủ lực

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2020, xuất khẩu hạt tiêu ước 16.654 tấn, trị giá 41.269.382 USD. So với tháng 8/2019, giảm 11,75% về khối lượng và giảm 11,04% về giá trị.

Cộng dồn 8 tháng xuất khẩu hồ tiêu đạt 201.115 tấn, với kim ngạch 441.617,875 USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 7,83% về lượng và giảm 20,61% về giá trị.

Trong tháng 7/2020, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường chủ đạo đều bị sụt giảm so với tháng 6/2020 như: EU giảm 17,9% về lượng và giảm 14,4% kim ngạch, đạt 2.960 tấn, tương đương 8,4 triệu USD; Đông Nam Á giảm trên 42% cả về lượng và kim ngạch, đạt 1.199 tấn, tương đương 3,16 triệu USD; Ấn Độ giảm 47% về lượng và giảm 46,4% kim ngạch, đạt 645 tấn, tương đương 1,54 triệu USD; riêng xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,6% về lượng và tăng 25,9% kim ngạch, đạt 4.977 tấn, tương đương 12,45 triệu USD.

Theo VPA, trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, tuy nhiên so cùng kỳ lại giảm 17,2%. Đứng đầu là Trung Quốc nhập khẩu 37.269 tấn, giảm 28%; tiếp theo là Ấn Độ nhập khẩu 9.378 tấn, giảm 39,3%. Một số thị trường khác cũng giảm nhập khẩu như United Arab, Pakistand, Thái Lan.

Nhập khẩu tăng ở Myanmar, Papua New Guinea, Bangladesh,... Nhập khẩu của châu Mỹ tăng 11%, trong đó Mỹ nhập khẩu 33.402 tấn, tăng 9,9% so cùng kỳ.

EU nhập khẩu giảm 5,2%, một số thị trường có lượng nhập khẩu tăng như Anh, Nga,... Nhập khẩu của châu Phi tăng 8,6% trong đó phần tăng chủ yếu đến từ Ai Cập với 7.299 tấn, tăng 28,2% so cùng kỳ 2019.

IPC dự báo, ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19 và nguồn cung từ vụ thu hoạch đang diễn ra tại Indonesia, Trung Quốc, Malaysia và Brazil vào khoảng cuối tháng 8 sẽ là những yếu tố gia tăng áp lực lên giá trong thời gian tới, và tồn kho toàn cầu có thể gia tăng đến cuối năm bởi nguồn cung từ vụ thu hoạch đang diễn ra ở nhiều nước sản xuất lớn, trong khi kho chứa của các thị trường tiêu thụ lớn đã được lấp đầy trước những lo ngại dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp.

QUANG TRÍ

Nguồn: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/nguoi-trong-ho-tieu-da-co-lai-nhung-xuat-khau-van-sa-sut-3550938.html

0977.412.267