Sắp cán mốc 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến sẽ kéo dài thành tích năm trước đó (cán mốc trên 500 tỷ USD), dù Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngoại thương.

Thông tin được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang có nhiều dấu hiệu khả quan. Cụ thể, trị giá xuất khẩu tháng 11 đạt hơn 25 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng 10. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 1,5%.

Tuy nhiên, tính chung trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 255 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019.

Tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu, 11 tháng qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 490 tỷ USD. Đáng chú ý, thành tích xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức kỷ lục khoảng 20 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu nhiều khả năng tiếp tục vượt 500 tỷ USD trong năm nay

Trong thành tích chung của xuất nhập khẩu, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là các FTA như CPTPP, EVFTA thời gian qua đã được DN tận dụng khá tốt. Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành chỉ rõ, mặc dù EVFTA trước khi triển khai cũng có nhiều người lo ngại sẽ không mang lại hiệu quả tích cực ngay lập tức như mong đợi, lý do là sự sẵn sàng của DN chưa tốt. Song sau vài tháng triển khai, tỷ lệ DN biết để áp dụng FTA này vào hoạt động sản xuất kinh doanh là tương là tốt. Đã có vài chục nghìn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp để tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Cùng với việc CPTPP cũng được tận dụng tương đối hiệu quả, đây là điểm tích cực.

Với quy mô hiện nay và tốc độ tăng trưởng những tháng gần đây, nhiều khả năng quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 540 tỷ USD, cao hơn khoảng 23 tỷ USD so với năm 2019 (năm ngoái đạt 517,26 tỷ USD), một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt thị trường. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành đàm phán 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực. Cho nên, trước mắt, phải lấy thị trường để định hướng cho sản xuất và sản xuất theo tín hiệu thị trường, tận dụng tốt các thị trường có FTA nhằm tăng cơ hội miễn giảm thuế, nâng sức cạnh tranh hàng hóa. Ngoài ra, phải tăng cường thâm nhập các thị trường mới, chưa có FTA nhưng có nhiều mặt hàng chưa bị giới hạn bởi số lượng nhập khẩu và chưa bị ảnh hưởng hàng rào kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong xuất nhập khẩu sao cho tiếp cận thị trường nhanh nhất.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, thông tin là rất quan trọng. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về thị trường, mặt hàng cho DN. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao chúng tôi tính toán cụ thể dung lượng của từng thị trường, thị hiếu với từng mặt hàng cụ thể, từng đối thủ cạnh tranh để làm sao giúp DN có thông tin thiết thực nhất, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường đối với các đối thủ cạnh tranh.

Bảo Ngọc

Nguồn: http://kinhtevn.com.vn/sap-can-moc-500-ty-usd-kim-ngach-xuat-nhap-khau-4...

0977.412.267