Thu ngân sách đạt khá trong 2 tháng đầu năm

(HQ Online) - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu năm 2021 đã có những tác động bất lợi cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới hoạt động thu, chi ngân sách, song trong hai tháng đầu năm 2021, thu ngân sách đã đạt kết quả khá, trong khi đó, chi ngân sách giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) kiểm tra thực tế hàng hóa.
Ảnh: N.Linh

Thu ngân sách ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN thực hiện tháng 2 ước đạt 97,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN 2 tháng năm 2021 ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa tháng 2 ước đạt 81,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 2 tháng đạt 246,65 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 2, thu từ dầu thô ước đạt 2,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 2 tháng đạt gần 4,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong thu nội địa có một số khoản thu đạt khá so với dự toán (trên 20%), trong đó một số khoản thu lớn như khu vực doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân...

Bộ Tài chính cũng cho biết, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 2 ước đạt 13,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 2 tháng đạt 34,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,4% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020 trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán. Theo Bộ Tài chính, sở dĩ thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng xuất phát từ nguyên nhân trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 97,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn tăng, như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 30,8%; sắt thép các loại tăng 29,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23,9%, tác động làm tăng thu ngân sách của khu vực này.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong 2 tháng đầu năm 2021, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có kết quả tích cực. Thu ngân sách phản ánh các chỉ tiêu của kinh tế vĩ mô, phụ thuộc vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó, sản xuất kinh doanh tăng trưởng thì đây là cơ sở cho kết quả thu ngân sách. Ông Long cũng nhấn mạnh, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD, đây là nền tảng cho số thu từ xuất nhập khẩu đầu năm cũng như cả năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm, các cơ quan quản lý thu ngân sách đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế và thu NSNN, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Trong đó, cơ quan Thuế đã thực hiện 3,4 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 16,5 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 3,4 nghìn tỷ đồng, thu vào NSNN 780 tỷ đồng (đã thu nộp 345 tỷ đồng), giảm lỗ 2,5 nghìn tỷ đồng; đã thu hồi được 5,1 nghìn tỷ đồng tiền nợ đọng thuế.

Cơ quan Hải quan thực hiện 167 cuộc thanh tra, kiểm tra; 160 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 80,3 tỷ đồng (đã thu nộp 43,2 tỷ đồng); chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 1,77 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào NSNN 21,1 tỷ đồng.

Chi ngân sách giảm

Chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên, giải pháp quan trọng nhất trong thúc đẩy thu ngân sách chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh. Do đó, cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu “kép” Chính phủ đề ra là vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho DN cần tiếp tục được thực hiện.

Liên quan đến số DN giải thể, tạm ngừng sản xuất kinh doanh tăng cao có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, đây chỉ là một phần, điều quan trọng là số DN còn tiếp tục hoạt động vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn so với năm ngoái, vì các DN đã tìm được các giải pháp để vượt qua khó khăn do Covid-19 mang lại. Đây chính là yếu tố đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Về chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi cân đối NSNN 2 tháng đạt 207,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 23,49 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán, giảm 32,4%, chủ yếu do trong 2 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao, đồng thời, kỳ nghỉ tết Nguyên đán dài ngày cũng là yếu tố ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Chi trả nợ lãi đạt 21,88 nghìn tỷ đồng, bằng 19,9% dự toán, giảm 14,3%; chi thường xuyên đạt 161,8 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 2 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN vui đón Tết cổ truyền. Ngoài ra, đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2021.

Từ nay đến cuối năm, để đảm bảo hoạt động thu ngân sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền của Bộ Tài chính; hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động thương mại điện tử qua biên giới; đề án thí điểm áp dụng bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tổ chức phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử giữa Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại...

Với nguồn thu nội địa, Tổng cục Thuế cũng đã đề ra một số giải pháp trọng tâm để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm. Theo đó, ngành Thuế tập trung triển khai các giải pháp quản lý thuế như mở rộng cơ sở thuế, tăng cường chất lượng công tác thanh kiểm tra, chống thất thu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; tổ chức bộ phận trực hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7...

Hoài Anh

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/thu-ngan-sach-dat-kha-trong-2-thang-dau-nam...

0977.412.267