Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu linh kiện điện tử “Made in Vietnam”

Bên cạnh các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài, Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử hoặc các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh cho ngành. Đây là những yếu tố rất là đáng khích lệ, góp phần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu của nhóm hàng này trong thời gian tới. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ như vậy với phóng viên báo Công Thương.

Thưa ông, xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế, đặc biệt là mảng điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử, nhưng kết quả vẫn chủ yếu đến từ khối FDI. Ông có nhận định như thế nào về cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử của Việt Nam trong thời điểm này?

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Điện tử là sản phẩm vừa mang hàm lượng công nghệ rất cao và đồng thời các yếu tố cấu thành rất nhiều và phức tạp. Do vậy thì chuỗi cung ứng của nó cũng sẽ trải dài đến một số quốc gia. Tại Việt Nam, từ trước đến nay, các doanh nghiệp sản xuất điện tử chủ yếu đến từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng chúng ta cũng nhìn thấy một sự thay đổi rất rõ nét khi trong những năm gần đây đã có những nhà sản xuất là ODM (sản xuất theo đơn đặt hàng) của các doanh nghiệp điện tử lớn.

Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta cũng thấy có một sự chuyển dịch rất lớn khi các nhà sản xuất điện tử đã không chỉ gia công những linh kiện nhỏ mà họ cũng đã bắt đầu cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm nguyên chiếc cũng như những sản phẩm có giá trị cao hơn. Ví dụ như Samsung đã sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam hoặc là Samsung và LG cũng đã sản xuất rất nhiều các thiết bị điện tử gia dụng ở trong nhà. Hoặc mới đây có thông tin rằng sắp tới, một nhà đầu tư tại Bắc Giang sẽ lắp ráp các sản phẩm của Apple như Macbook, máy tính bảng…

Mặt khác thì những doanh nghiệp Việt, ví dụ như là Vinfast cũng có những nghiên cứu để có thể sáng tạo ra những sản phẩm điện thoại mang thương hiệu Việt Nam. Đây cũng là những yếu tố rất là đáng khích lệ, giúp cho các doanh nghiệp của chúng ta dần dần có thể làm chủ, đưa ra được những sản phẩm điện tử có giá trị cao cũng như góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của nhóm hàng này trong thời gian tới.

Vậy ta có những định hướng hay chỉ đường nào cần thiết để làm gia tăng được kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử nói chung, và nhiều ngành nghề khác của Việt Nam nói riêng?

Công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến rất nhiều các ngành sản xuất, ví dụ như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nhựa đều cần đến các doanh nghiệp hỗ trợ. Đối với từng ngành khác nhau thì sự tham gia của các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể là khác nhau. Tuy nhiên, một yếu tố chung đó chính là việc chúng đã nắm bắt được công nghệ và làm chủ được về chất lượng, từ đó khẳng định được vị trí của sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng chung của thế giới và qua đó thu hút được các nhà đầu tư đến đặt hàng hoặc là đặt những nhà máy lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua chúng ta cũng thấy rằng là trong tất cả các lĩnh vực, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những bước thay đổi rất nhanh, rất lớn. Ví dụ như trong ngành sản xuất ôtô hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam như Thaco Trường Hải không chỉ lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh mà còn xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện cung cấp chính cho sản phẩm của các doanh nghiệp cũng như là để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Chúng ta cũng hy vọng trong thời gian sắp tới các doanh nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng sẽ vừa có thể nâng cao được năng lực cũng như đẩy mạnh liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để nâng cao giá trị của các sản phẩm Việt Nam.

Vinfast đã có những nghiên cứu để có thể sáng tạo ra những sản phẩm điện thoại mang thương hiệu Việt Nam

Vừa qua ta đã có nhiều FTA đi vào thực thi. Vậy Bộ Công Thương cho biết tình hình khai thác và thực thi hiệu quả các FTA đó để giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung và xuất khẩu linh kiện điện tử nói riêng?

Năm 2020, Việt Nam có 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết đó là EVFTA, UKVFTA và RCEP. Trong đó, Hiệp định EVFTA và RCEP là những Hiệp định có quy mô rất lớn và cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu thay đổi mạnh mẽ. Chúng ta đã chứng kiến khi đi vào hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngay lập tức số lượng C/O Form Euro 1 xuất khẩu đi EU tăng rất mạnh, cho thấy các doanh nghiệp đã ngay lập tức nắm bắt và khai thác được lợi thế từ Hiệp định này.

Tuy nhiên, những tác động của Covid-19 khiến một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều chính là khu vực thị trường Châu Âu. Đến hết năm 2020 và đến thời điểm này thì xuất khẩu sang EU vẫn có tăng trưởng tốt, không chỉ ở trong các nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới, đặc biệt là nhóm hàng đồ gỗ cũng thấy sự gia tăng mạnh. Trong thời gian tới, khi các hiệp định được thực thi một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn cũng như khi các yếu tố về dịch bệnh có thể được đẩy lùi với việc đưa vắc xin vào áp dụng đại trà trong năm 2021 và 2022 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất của Việt Nam có những yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Bộ Công Thương đã tính toán đến kịch bản dịch bệnh kéo dài chưa và Bộ có giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay?

Hiện nay, các yếu tố về mặt dịch bệnh cũng như những yếu tố về địa chính trị, các vấn đề về tác động chung của kinh tế vĩ mô trên thế giới đến Việt Nam thì Bộ Công Thương đã đều có tính toán và đưa vào các kịch bản phát triển cũng như các dự báo chính sách của Bộ trong thời gian sắp tới.

Đối với lĩnh vực về xuất nhập khẩu, hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới. Chiến lược này vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay về những yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế, những yếu tố về địa lý, yếu tố về tự nhiên cũng như là yếu tố về sản xuất, tác động của khoa học công nghệ. Đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công Thương trong dài hạn.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các FTA, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của Hiệp định tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ cũng sẽ đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan (thực hiện)

Nguồn:https://congthuong.vn/thuc-day-san-xuat-xuat-khau-linh-kien-dien-tu-made...

 

0977.412.267