Xuất khẩu hàng hóa: Tăng trưởng ít cũng là kỳ tích

 07:59 | 03/09/2020

(HQ Online) - Dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm NK khó có thể sớm cải thiện. Bộ Công Thương nhận định, hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn.

Cảng Tân Vũ, Hải Phòng. Ảnh: TKTS

Tăng trưởng vỏn vẹn 0,2%

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, XK hàng hóa ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%). Việt Nam có 23 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch XK.

Về cơ cấu nhóm hàng, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ, hầu hết XK các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, kim ngạch XK nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm mạnh nhất, ước đạt 1,7 tỷ USD, giảm 36%. Tương tự, nhóm hàng nông, lâm thủy sản XK 7 tháng ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 6,4%). Tính chung kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 122,6 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,8%), tuy nhiên khi soi xét vào từng mặt hàng cụ thể, XK loạt mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhìn toàn cảnh “bức tranh” XK hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng phân tích, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế mở như Việt Nam. Đó là bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy và nhu cầu trên thị trường thế giới sụt giảm. Ngoài ra, hoạt động giao thương còn ảnh hưởng trầm trọng do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…

Nếu nhìn vào số liệu của tất cả quốc gia có nền kinh tế mở đều thấy XK sụt giảm, tăng trưởng âm là chính. Trong điều kiện đó, tăng trưởng XK của Việt Nam vẫn tăng là kỳ tích. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng XK 7 tháng đầu năm nay có sụt giảm sâu nhưng cách so sánh đó không khoa học vì hoàn cảnh của 7 tháng năm 2020 và cùng thời điểm các năm 2019, 2018 hoàn toàn khác nhau. “Việc sụt giảm là đương nhiên. Vấn đề là phải nhìn nhận, so sánh với các nước có nền kinh tế mở trong nửa đầu năm nay để thấy đạt được mức độ tăng trưởng XK như của Việt Nam cũng đã là thành tích rất đáng mừng”, chuyên gia Phạm Tất Thắng nhấn mạnh thêm.

Khó khăn tiếp diễn

Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm NK khó có thể sớm cải thiện. Bộ Công Thương nhận định, hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn.

Điều này được thể hiện khá rõ với một loạt ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam. Ví dụ điển hình được Bộ Công Thương nhắc tới là câu chuyện của ngành dệt may. Tính đến tháng 7, nhiều DN dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là "cứu cánh" cho nhiều DN may trong quý 2 thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, XK dệt may của Việt Nam nửa cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch XK cả năm khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Ngành công nghiệp chế biến, XK gỗ của Việt Nam những năm gần đây vốn duy trì tốc độ tăng trưởng XK khá đều đặn, ổn định khoảng 12-15%/năm thì năm 2020 cũng không khỏi lao đao vì Covid-19. Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục còn có những diễn biến phức tạp, ngành gỗ cần có giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch và phù hợp với tình hình mới. Điều này đòi hỏi ngành nhanh chóng xác định chiến lược phát triển về mặt thị trường, bao gồm cả thị trường XK và thị trường nội địa và về các dòng sản phẩm. “Việc phát triển thị trường và các dòng sản phẩm chiến lược cần được đặt ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bởi dịch bệnh và căng thẳng về thương mại quốc tế. Chiến lược này phải dựa trên các yếu tố giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả các rủi ro về gian lận thương mại, nhằm tránh các tác động tiêu cực tới ngành”, ông Lập nói.

“Khe cửa” EVFTA

Giữa những khó khăn chồng chất, tình hình diễn biến dịch bệnh khó đoán định, Bộ Công Thương cũng đưa ra góc nhìn khả quan cho XK hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi từ ngày 1/8. Bộ này nêu rõ, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế NK lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng XK của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...

Đặc biệt, riêng ngành da giày, hiện EU là thị trường truyền thống, chiếm tới gần 30% kim ngạch XK, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm. Với việc EVFTA có hiệu lực, kỳ vọng XK giày dép trong quý 3 và quý 4/2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam chia sẻ, DN da giày đã có sự chuẩn bị, kỳ vọng đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU, cũng như kết nối được với các khách hàng của thị trường EU khi thị trường EU đang mở cửa trở lại.

Xung quanh vấn đề tận dụng cơ hội thúc đẩy XK từ EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định, nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, DN Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động XNK, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn. “Các DN cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định EVFTA và các xu hướng/mô hình chuyển đổi số phù hợp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của EVFTA mà của cả thị trường EU”, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến cho DN về quy tắc xuất xứ và cách thức tận dụng các EVFTA để thúc đẩy XK; đồng thời xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế sang các thị trường EU trong năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ này cũng xác định tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XNK đối với thị trường Trung Quốc, bao gồm: trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để sớm đẩy nhanh năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu; trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để đảm bảo vận tải giao thương ở biên giới; điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh để ùn tắc nhiều làm tăng chi phí…

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch NK hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,47 tỷ USD, giảm 6,2%.

Về cơ cấu hàng hóa NK, chiếm 88,3% tổng kim ngạch hàng hóa NK của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm là nhóm hàng cần NK (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 123 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch NK của nhiều loại nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất trong nước sụt giảm mạnh trong 7 tháng như: Vải các loại giảm 14,9%; thép các loại giảm 14,1%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 15,5%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 9,5%...

Đức Quang

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-hang-hoa-tang-truong-it-cung-la-ky-tich-132636-132636.html

0977.412.267