VASEP: Xuất khẩu thủy sản cuối năm chưa thoát được đà suy giảm, tôm sẽ là mặt hàng “cứu cánh”

BizLIVE - VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm đạt khoảng 2,3 tỷ USD; trong đó tôm tăng 9%, cá tra giảm 31% và hải sản tăng 7,5% với cùng kỳ 2019.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I giảm 10% và tiếp tục giảm 7% trong quý II đạt gần 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, bước sang quý III, kim ngạch thủy sản đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỷ USD.

Sau khi hồi phục tương đương với cùng kỳ năm ngoài trong tháng 7 và tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9 ước đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thủy sản ước đạt giảm 4% đạt gần 6 tỷ USD.

VASEP cho biết, trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính, chỉ có tôm có mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong 9 tháng đầu năm, mặt hàng này cũng chiếm hơn 44% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong khi cá tra liên tục sụt giảm dẫn đến chỉ chiếm tỷ trọng 17,6% trên tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.

Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều sụt giảm, tuy nhiên tỷ trọng của hải sản trong tổng xuất khẩu vẫn tương đương cùng kỳ năm ngoái (hải sản chiếm 38% tổng xuất khẩu thủy sản).

Về thị trường, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang 154 thị trường, trong đó 6 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất từ nước ta bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN.

Đối với thị trường Mỹ, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ  trong tháng 9 đạt 135 triệu USD, tăng 6%, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt trên 1,16 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho hay, xuất khẩu sang thị trường này chỉ giảm sâu trong tháng 4 và tháng 5 vào đỉnh dịch Covid lần 2, nhưng sau đó hồi phục mạnh nhờ xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng.

Về thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản trong tháng 9/2020 ước đạt 100 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019; ước lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản giảm nhẹ 6% đạt trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu trong quý I tăng nhẹ 2% nhưng sang quý II lại giảm gần 6%, tiếp tục giảm 9% và 8% trong 2 tháng đầu quý III.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm do tác động của dịch Covid-19. Riêng trong quý II, Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, từ tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh (giảm 9% và 10% trong tháng 7 và tháng 8) do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu tôm đông lạnh. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 9 ước đạt 190 triệu USD, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng nhẹ 2% đạt 975 triệu USD.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU sụt giảm liên tiếp trong 2 quý I và II nhưng sang tháng 7, tháng 8 lại có chiều hướng tốt hơn. Ước tính kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 sẽ hồi phục mạnh hơn với mức tăng 13% đạt 92 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 692 triệu USD, giảm 11%. Dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến cho xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường chính giảm sâu: Italy giảm 30%, Đức giảm 14% và Hà Lan giảm 30%.

VASEP nhận định, tỷ trọng của thị trường này giảm xuống còn 12% vì 2 nguyên nhân cơ bản: Anh rời khỏi EU từ ngày 1/2/2020 và Covid làm giảm nhu cầu và ảnh hưởng đến giao thương thủy sản.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng đang kỳ vọng vào Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ đem lại cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang EU, nhất là các sản phẩm tôm đông lạnh, cá ngừ đông lạnh, mực, bạch tuộc đông lạnh và chế biến sẽ được giảm thuế về 0% ngay từ 1/8 vừa qua. Xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu tốt từ tháng 7, mực bạch tuộc và cá ngừ có thể tăng nhẹ.

Với thị trường Hàn Quốc, lũy kế đến cuối tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc giảm 2% đạt 553 triệu USD, trong đó xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 64 triệu USD, tăng 5%. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm nhiều ở các mặt hàng hải sản: cá ngừ giảm 40%, mực, bạch tuộc giảm 6%, xuất khẩu cá biển khác và cua ghẹ cũng giảm sâu 12% và 39%.

VASEP dự báo, trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại các thị trường và xuất hiện trở lại trong cộng đồng trong nước, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường. Đối với thị trường Mỹ hay EU bởi việc các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm.

Do đó, VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tôm tăng 9% đạt 1,1 tỷ USD, cá tra giảm 31% đạt 365 triệu USD, các mặt hàng hải sản đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 7,5% với cùng kỳ năm 2019.

Với dự báo trên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019; trong đó tôm ước đạt gần 3,7 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu hải sản đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 3%.

HẠ AN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/vasep-xuat-khau-thuy...

0977.412.267