Xuất khẩu cà phê gặp khó khăn dồn dập, lo ngại 2021 chưa hết khó

BizLIVE - Nhiều thị trường giảm lượng nhập khẩu, Brazil được mùa, Việt Nam vào vụ trễ... nối nhau tác động lên thị trường xuất khẩu cà phê.

Vườn cà phê ở Đắk Lắk - Ảnh Nguyễn Huyền

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 11/2020 giảm 23,1% về lượng và giảm 18,7% về trị giá so với tháng 10/2020, so với tháng 11/2019 giảm 37,5% về lượng và giảm 30% về trị giá, đạt 70 nghìn tấn, trị giá 137 triệu USD.

Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,41 triệu tấn, trị giá 2,46 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 11/2020 ước đạt mức 1.963 USD/tấn, tăng 5,7% so với tháng 10/2020 và tăng 12,2% so với tháng 11/2019.  

Trong 11 tháng năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.745 USD/tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 10/2020 đạt 76,8 nghìn tấn, trị giá 119,25 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 9,1% về trị giá so với tháng 10/2019. 

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu cà phê trong năm 2020, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với ngành cà phê làm ảnh hưởng đến khối lượng và giá trị xuất khẩu trong năm 2020, trong đó có 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, tác động bởi đại dịch Covid-19 nhiều nước áp dụng giãn cách nên phần lớn thị trường thay đổi theo chiều hướng giảm nhập khẩu, chỉ có một số ít thị trường tăng. Vì vậy, lượng xuất khẩu cà phê năm nay cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019, kéo giá xuất khẩu giảm theo điều đó cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê năm nay có khó khăn.

Bên cạnh đó, sản lượng cà phê Conilon Robusta của Brazil tăng đột biến gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nên cà phê Robusta Việt Nam chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá, khiến nhiều thị trường xuất khẩu giảm mạnh.

Brasil trúng mùa đã tác động mạnh lên thị trường cà phê thế giới, có thời điểm giá cà phê xuống dưới mức 30.000 - 32.000 đồng/kg nên người nông dân không bán ra và hiện nay khi giá cà phê tăng lên lại và dao động từ 33.000 đến 34.000 đ/kg, bà con lại đẩy mạnh bán ra làm cho tình hình xuất khẩu bị ảnh hưởng.

“Năm nay, có lúc giá cà phê trên sàn Luân Đôn xuống thấp có lúc xuống dưới 1.200 USD/tấn –mức giá thấp như thế này hàng chục năm nay mới có và kéo giá cà phê trong nước rớt sâu, khi đó người nông dân từ chối bán hàng ra. Hơn 10 năm nay, xu hướng chung của thị trường cà phê trong nước là khi giá rớt xuống quá thấp bà con không bán ra, buộc các nhà nhập khẩu phải mua theo giá Luân Đôn cộng và mức cộng đã lên đến +200 USD/tấn – đây là mức cộng rất cao so với nhiều năm trước.

Việc người nông dân giữ hàng từ chối bán giá thấp đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải chấp nhận mức giá mua từ Việt Nam tương đối cao. Qua đó cho thấy người nông dân Việt Nam sẵn sàng giữ lại nguồn hàng không bán khi thấy thị trường có giá bất lợi. Đấy là mặt tích cực nhưng cũng làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của chung của ngành cà phê”, ông Nam chia sẻ.

Dự báo năm 2021 xuất khẩu cà phê vẫn chưa hết khó!

Một yếu tố khác tác động lên thị trường cà phê Việt Nam đó là năm nay mùa mưa kết thúc muộn nên việc thu hái bị chậm hơn 1 tháng, thay vì hàng năm vào cuối tháng 10 đã vào vụ mới nhưng năm nay trễ 1 tháng nên phải đến cuối tháng 11 mới có nguồn cung từ vụ cà phê mới, đã làm ảnh hưởng đến lượng cà phê xuất khẩu của năm 2020.

Ngoài ra, giá thuê container đang tăng rất cao từ 3 đến 4 lần cũng là khó khăn cho hầu hết các doanh nghiệp xuất cũng như nhập khẩu, do phải thuê với giá cước rất đắt so với trước đây nên các nhà nhập khẩu nước ngoài từ chối nhận hàng và xin hoãn lại.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam bán với giá FOB nên không bị thiệt hại về cước vận chuyển nhưng bị thiệt hại do nhà nhập khẩu xin lùi thời gian nhận hàng, có rất nhiều hợp đồng đã xin chuyển qua tháng 1 hoặc tháng 2/2021 mới nhận.

Từ các yếu tố trên đã khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định và với những ảnh hưởng như vậy nên hầu hết các nhà xuất khẩu đã giảm khối lượng xuất khẩu của đơn vị so với các năm trước đó.

Bắt đầu từ tháng 10, tháng 11/2020, giá cà phê bắt đầu tăng trở lại có lúc tăng đến 1.400 USD/tấn tại Luân Đôn, tăng lên được 200 USD/tấn đã giúp cho tình hình thị trường tốt hơn và lượng bán ra của Việt Nam có tăng lên, thêm vào đó là cuối tháng 11 Việt Nam đã vào vụ.

Song, do giá hàng hóa nội địa cao hơn giá xuất khẩu nên việc thực hiện các hợp đồng đã ký cũng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Dự báo về tình hình thị trường trong giai đoạn đầu năm 2021 theo ông Nam thì cho đến giờ này vẫn chưa có dấu chỉ cho thấy tình hình thị trường cà phê trong năm 2021 sẽ sẽ tốt hơn năm 2020.

“Vụ cà phê mới ở Brazil vẫn được mùa, nhất là hàng Conilon Robusta và diễn biến giá cước tàu như hiện nay khiến lượng hàng bán đi không được nhiều cũng là khó khăn tiếp theo. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng đang chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường xem như thế nào, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều có chung nhận định thị trường trong năm 2021 có vẻ chưa hết khó!”, ông Nam nhận xét.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/xuat-khau-ca-ph...

0977.412.267